Kinh nghiệm du lịch Hà Giang – Hà Giang là một tỉnh thành thuộc điểm cuối của vùng Đông Bắc Việt Nam. Dân cư chủ yếu ở Hà Giang là các dân tộc thiểu số như: H’Mông, Thái, Lô Lô, La Chí…. (theo wikipedia ) Đây cũng là một trong những tỉnh miền núi nghèo nhất Việt Nam, con đường lên đây đầy rẫy hiểm trở nhưng du lịch Hà Giang luôn là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong lẫn ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ.
Kinh Nghiệm Du Lịch Hà Giang – Cẩm Nang Du Lịch mới nhất 2016
Sự hoang dại của tạo hóa đã tạo ra sức hút mãnh liệt đối với bất kỳ ai thích khám phá và trải nghiệm. Đặc biệt là khám phá nét văn hóa đặc trưng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người ở đây. Vẻ đẹp của Hà Giang hiện ra với mỗi du khách là những cung đường quanh co, cảnh quan đồi núi trùng điệp hoang sơ, con người cũng thân thiện và vẫn giữ được những bản sắc văn hoá. Hà Giang còn mang vẻ đẹp của con đường Hạnh Phúc qua đỉnh Mã Pì Lèng lô nhô đầy đá hộc, sương mù quanh năm bao phủ, từ trên đỉnh nhìn xuống thấy dòng sông Nho Quế mờ ảo, vắt vẻo như một sợi dây thêm vài ngọn núi xanh biếc, nhọn hoắt đâm thẳng từ đáy vực lên giữa biển mây.
Ấn tượng nhất trong lòng du khách là trên đường từ Mèo Vạc về Yên Minh khi dọc hai bên đường đi là những rừng đá tai mèo ngút ngàn, lô nhô, xám ngoét với muôn hình muôn vẻ chạy suốt từ đỉnh đến chân núi, gió bấc rít từng cơn lạnh buốt và những thân ngô khô sau thu hoạch của đồng bào phất phơ trên sườn núi là đại diện duy nhất cho sự có mặt của con người… Đến nơi đây, ai cũng sẽ một lần có cái cảm giác bé nhỏ giữa thiên nhiên bao la, hùng vĩ.

Có rất nhiều nhiếp ảnh gia cố gắng thu lại vẻ đẹp của Hà Giang trong ống kính máy ảnh nhưng dù người nhiếp ảnh có trong tay máy ảnh xịn nhất cũng không thể lột tả được sự hùng vĩ phong cảnh Hà Giang. Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ ấy, Hà Giang còn rất nhiều mảng màu khác như mảng màu dịu dàng hồng nhẹ nhàng của hoa tam giác mạch, màu vàng cháy mạnh mẽ của cúc dại, màu đỏ thẫm của hoa dền đu đưa trong gió, màu rực rỡ của nếp váy áo thôn nữ xập xòe theo bước chân, màu xanh cứng cỏi mà thanh tao của sa mộc và đặc biệt là màu tự hào, khí phách của lá cờ tổ quốc in trên nền trời xanh ở đỉnh Lũng Cú. Tất cả, tạo nên một Hà Giang mang vẻ đẹp tiên cảnh làm nao lòng bất cứ người lữ khách nào.
Sau đây là tổng hợp kinh nghiệm du lịch Hà Giang toàn tập mong rằng sẽ giúp ích cho bạn trong chuyến du lịch Sap sắp tới:
Thời điểm thích hợp nhất đi du lịch Hà Giang
Theo kinh nghiệm du lịch Hà Giang của mình bạn có thể đến Hà Giang ở mọi thời điểm trong năm. Mỗi mùa trong năm, Hà Giang mang một vẻ đẹp riêng, một màu sắc không thể trộn lẫn với bất cứ nơi đâu.
Cuối năm với thời tiết nắng ấm kèm theo những cơn gió se lạnh là thời điểm hoa tam giác mạch hà giang bung nở. Rất nhiều nơi ở Hà Giang được phủ một màu hồng tím lãng đãng, nhẹ nhàng của loài hoa này. Mùa tam giác mạch ở Hà Giang kéo dài từ đầu tháng 10 đến hết tháng 12.

Tới mùa xuân cả cao nguyên đá rực rỡ những mảng màu sắc hoa đào, mận, cải… tràn trề sức sống bên những má đá màu xám xịt hùng vĩ xung quanh. Tạo nên những mảng màu đối lập mà chỉ Hà Giang mới có và cao nguyên đá trở nên dịu dàng hơn bao giờ hết. Những cô cậu bé dân tộc diện váy áo xúng xính đứng lặng ngắm đất trời vào độ đẹp nhất trong năm.
Các cung đường trở nên thơ mộng hơn với những ruộng cải trắng phớt tím ướt đẫm sương mai. Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp khung cảnh lũ trẻ hồn nhiên chơi đùa bình yên dưới những tán mận nở bung trắng bên hàng rào đá. Tất cả khiến cho hành trình trải nghiệm một mùa hoa xuân trên miền đá trở thành niềm hạnh phúc vô tận với bất cứ du khách nào.

Vào mùa hè, khoảng thời gian tháng 4-5 người dân ở Hoàng Su Phình vào mùa nước đổ, những khoảng ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phình loang lổ màu xanh của mạ non, long lanh của nước đổ tạo nên một mảng màu sắc mộc mạc hoang sơ giữa núi rừng. Dòng sông Nho Quế mang một màu xanh dịu dàng của trời vắt qua cao nguyên đá tô điểm thêm vẻ đẹp hùng vĩ ở nơi đây.
Đi Hà Giang bằng phương tiện gì ?
Từ TP HCM:
Bạn nên mua vé máy bay sớm của Vietnam Airlines, Vietjet Air để có được giá rẻ. Nên đặt chuyến bay sớm nhất để sau khi tới sân bay Nội Bài thì đi xe bus hoặc taxi về trung tâm Hà Nội nghỉ ngơi, ăn uống. Nếu về bến xe Mỹ Đình bạn có thể ăn uống và nghỉ ngơi tại The Garden hoặc Keangnam Landmark 72 tại đường Phạm Hùng. Đến khoảng 13h, đón xe khách ở bến xe Mỹ Đình.
Từ TP Hà Nội
- Di chuyển bằng xe khách: Bạn có thế đi xe khách giường nằm tại bến xe Mỹ Đình vào 19h, 20h, 21h hàng ngày, giá vé 250.000đ tới TP Hà Giang, bạn ngủ đêm trên xe và khoảng vào 5h-6h sáng hôm sau là tới Hà Giang.
- Di chuyển bằng xe máy: xe máy là phương tiện tiện lợi và tối ưu nhất. Đi xe máy bạn có thể hoàn toàn chủ động được hành trình của mình và cảm nhận cũng như chiêm ngưỡng được hết vẻ đẹp của cao nguyên đá. Việc đi xe máy tạo cảm giác thích thú khi bạn chinh phục được những đoạn đường khó khăn, bắt kịp những khung cảnh đẹp lạ, ngoài ra có thể dừng nghỉ tùy ý nếu muốn để tận hưởng không khí.
- Di chuyển bằng ô tô: Đi ô tô an toàn và đỡ mệt hơn nhưng bạn sẽ không thể chiêm ngưỡng được hết cảnh đẹp ở cao nguyên đá, và có những địa điểm di chuyển ô tô rất khó khăn.

Di chuyển tại Hà Giang: Theo kinh nghiệm du lịch Hà Giang của mình nếu bạn đi lên Hà Giang bằng ô tô và xe khách thì lên tới Hà Giang bạn có thể thuê xe máy với giá 200.000 vnđ/ngày. Trên Hà Giang có rất nhiều địa điểm cho thuê xe máy. Tuy nhiên bạn nên kiểm tra săm xe cũng như xăng và phanh để đảm bảo cho cuộc hành trình của mình. Vì Hà Giang có những cung đường heo hút nếu gặp phải hỏng xe hay hết xăng sẽ rất khó để di chuyển tiếp hay trở về được.
Kinh nghiệm du lịch Sapa tổng hợp kinh nghiệm du lịch từ A – Z
Lễ hội ở Hà Giang
Cứ vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm, tức khoảng 13 đến 16/5, Hà Giang lại nhộn nhịp diễn ra phiên chợ tình Khâu Vai. Phiên chợ là dịp dành cho những đôi dang dở lại được hẹn hò để được nhìn thấy, hỏi thăm về sức khỏe, cuộc sống của nhau… hay cùng uống dăm ba chén rượu. Đây là phiên chợ ca ngợi tình yêu đôi lứa trong sáng có sức lan toả trong cộng đồng, và nằm trong chuỗi sự kiện của Tuần Văn hóa, Du lịch – Lễ hội.
Ngoài các hoạt động ca ngợi tình yêu trong sáng, Tuần Văn hóa, Du lịch – Lễ hội chợ tình Khâu Vai còn tổ chức nhiều cuộc thi độc đáo, giới thiệu văn hóa vùng cao.
Bản đồ du lịch Hà Giang

Địa điểm du lịch Hà Giang
Hà Giang hiện lên với sự hòa quyện bởi màu sắc của thiên nhiên yên bình, những dãy núi đá nhấp nhô cùng nhiều căn nhà mái đã bạc màu thời gian. Hà Giang còn thử thách trái tim những người đam mê xê dịch khi chinh phục các cung đèo ngoạn mục. Nhiều con đường khúc khuỷu quanh co, sát bên là vực sâu hiểm trở, những khúc cắt ngang làm cho bất cứ ai cũng thót tim.
Theo kinh nghiệm du lịch Hà Giang của mình để trải nghiệm hết vẻ đẹp nơi đây một trong những điều không thể nào quên được khi chính bạn cầm lái trên đường đi Hà Giang. Từ Phó Cáo, Phó Bảng, lên thị trấn Đồng Văn, dưới chân đèo Mã Pí Lèng, đến đường về Mèo Vạc, Sơn Vĩ, Khâu Vai… đem lại cho bạn nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Con đường Hạnh Phúc

Đường Hạnh Phúc dài gần 200 km, bắt đầu từ Hà Giang, chạy xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Mã Pì Lèng tới Mèo Vạc. Nếu hoa tam giác mạch hay hoa cúc dại cho bạn cảm xúc nhẹ nhàng thì con đường này khiến bạn cảm nhận được sự linh thiêng của bao công sức đã đổ xuống để cho thế hệ ngày hôm nay con đường này.
Con đường mang tên Hạnh Phúc bởi đó là con đường mang lại hạnh phúc cho người dân nơi đây, cho du khách và cũng là con đường được hình thành từ niềm hạnh phúc của những người đã bỏ công sức mồ hôi cả máu và nước mắt. Con đường là 8 năm với hơn 2 triệu ngày công của 1.000 thanh niên xung phong, 1.200 dân công, 9 triệu tấn thuốc nổ.
Đi trên con đường không chỉ để thưởng ngoạn cảnh đẹp mà còn là sự tri ân đối với máu xương, là sự thiêng liêng của huyền thoại về sức trẻ của thanh niên từ 16 dân tộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định và Hải Dương. Bạn có thể đi dọc theo con đường Hạnh Phúc để tận hưởng những cung bậc cảm xúc mà chỉ có trải nghiệm thực tế mới cảm nhận được. Con đường ấy trải trải dài như bất tận đưa bạn từ sợ hãi đến vui sướng lẫn tự hào về vẻ đẹp và sự hùng vĩ của quê hương đất nước mình.
Đèo Mã Pí Lèng

Đèo Mã Pí Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây được biết đến là cung đường đẹp nhất vùng cao nguyên đá. Nếu tới Hà Giang một lần thử được cầm lái chạy xe chênh vênh giữa một bên là núi đá cao ngút trời, một bên là vực sâu thăm thẳm và ngắm nhìn dòng sông Nho Quế uốn lượn như một dải sẽ khiến bạn trải qua những cung bậc cảm xúc vô cùng tuyệt vời. Đó như một thử thách lớn với những người yêu thích sự mạo hiểm.
Đặt chân tới đây bạn sẽ ngỡ ngàng trước không gian hùng vĩ của núi rừng, trùng điệp ngàn tầng ngàn lớp của núi, trắng xóa huyền ảo của mây, thẳm sâu hun hút của vực. Nơi đây, đặc biệt còn có mỏm đá nhô ra trên đèo Mã Pì Lèng, đây chính là nơi cảm nhận được trọn vẹn sự hùng vĩ bao la của núi rừng miền biên giới phía bắc. Du khách tưởng như đang ở giữa lưng chừng trời, “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”, ngắm hình sông thế núi vời vợi. Ở nơi đây bạn mới thấy mình nhỏ bé biết bao và cảm nhận được vẻ đẹp vô cùng của đất nước quê hương.
Hang Lùng Khúy

Hang Lùng Khúy nằm cách trung tâm huyện Quản Bạ (Hà Giang) trên 10 km, thuộc thôn Lùng Khúy, xã Quản Bạ. Từ thị trấn Tam Sơn, mất chừng 8 km đường ô tô và 2 km đường leo bộ để tới cửa hang. Phía trong hang động còn khá nguyên sơ. Từ bên dưới cũng như trên mái vòm của hang động có vô số nhũ đá được kiến tạo với các hình dạng, màu sắc khác nhau như: nhũ đá trắng, trong suốt, theo dạng thạch nhũ, rèm nhũ, nhiều sợi nhũ dài 1-2 m màu trắng xếp thành hình răng lược tựa như một chiếc đàn đá khổng lồ hay “cây ngọc cẩu” bằng đá với đầu nhọn và xếp lên nhau.
Có bức tường đá được mệnh danh là “cây đàn thần” với những âm thanh kỳ lạ phát ra mỗi khi dùng tay gõ nhẹ vào. Ngoài ra, hang còn có những nhũ đá lớn như một tòa tháp, một cây hoa long lanh trong vắt. Diện tích trong lòng hang khá rộng, nhiều chỗ có nhũ đá đứng riêng lẻ hoặc xếp thành quần thể tạo nên cảnh tượng kỳ quan hiếm thấy. Vào Lùng Khúy bạn như lạc trong một thế giới riêng của hang động, từ bức tường đá vừa mềm mại vừa sừng sững, uy nghiêm, cho đến những chùm đèn điệu đà như nở hoa trên tường đá. Vé cho một người vào hang là 50.000 đồng.
Du Già
Du Già là một bản thuộc tỉnh Yên Minh. Từ thành phố Hà Giang tới Du Già dài khoảng 70 km, để tới Du Già bạn phải vượt qua quãng đường qua Minh Ngọc (huyện Bắc Mê) là đường đèo núi chênh vênh hiểm trở. Tới Du Già bạn nên đi sớm, tuy nhiên quãng đường đi sẽ tối và mất khoảng 2 tiếng di chuyển. Khi tới đây sớm bạn sẽ ăn sáng tại phiên chợ Du Già và thưởng thức phiên chợ Du Già, một phiên chợ hoang sơ của vùng cao. Bạn nên tới đây vào sáng thứ 6 vì đây là ngày phiên chợ họp đông nhất.
Tại Du Già có nhiều núi đá vôi trùng điệp, vào mùa hạ Du Già được bao phủ một lớp cây cối xanh tốt. Khi đó khung cảnh Du Già hiện lên sinh động với đan xen bản làng thưa thớt nằm khép mình bên sườn núi. Rời trung tâm Du Già hướng về Lũng Hồ là đường đèo dốc cùng hẻm vực Nậm Lang kỳ vĩ.
Lũng Hồ

Lũng Hồ là một thung lũng nhỏ nằm lọt thỏm giữa không gian núi đá hùng vĩ. Lũng Hồ nằm trong cung đường Minh Ngọc – Du Già – Lũng Hồ – Mậu Duệ, đây là cung đường được những người yêu thích xê dịch luôn mong muốn khám phá. Đi qua cung đường này vào mùa hạ bạn sẽ được chứng kiến những dãy núi đá tai mèo đen lầm lũi bị lấn át bởi màu xanh của cây lá. Tất cả được bao trùm bởi một không gian xanh mướt. Khiến mùa hạ nơi đây trở thành mùa đẹp nhất trong năm.
Mậu Duệ

Là điểm dừng chân cuối cùng của cung đường phượt: Minh Ngọc – Du Già – Lũng Hồ – Mậu Duệ. Khung cảnh nơi đây có thể ví như đèo Mã Pí Lèng thứ hai của vùng cao nguyên đá với rất nhiều góc nhìn độc đáo. Dốc Ngam La về Mậu Duệ là cung đường hiểm trở nổi tiếng được truyền tai nhau với dốc nối dốc nhưng lại là nơi có nhiều nương ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất trên cao nguyên đá. Tháng 4, 5 là đầu mùa mưa, cũng là lúc những thửa ruộng bậc thang tại Mậu Duệ vào “mùa nước đổ” tạo thành khung cảnh mộc mạc nhưng đẹp đến nao lòng.
Mặt ruộng loang loáng nước phản chiếu ánh mặt trời, đan xen là những ô ruộng xanh đã cấy hay còn đỏ đất tạo thành bức tranh muôn màu. Nguồn nước dồi dào, đất trai trù phú hơn nên những bản làng người Dao ở đây rất đông đúc. Tất cả nằm chênh vênh giữa núi đồi trùng điệp, tạo nên một bức tranh ấn tượng khiến bạn nhớ khắc khoải trong lòng mãi không nguôi.
Thung lũng Lũng Cẩm

Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Thung lũng Lũng Cẩm với ngôi làng văn hóa du lịch đã từng là bối cảnh cho phim “Chuyện của Pao” khiến người xem mê mẩn với vẻ đẹp mộc mạc của nơi này. Ngôi làng với 61 hộ dân sống trong những ngôi nhà trình tường cổ, có những ngôi nhà được làm cách đây gần 100 năm.
Tong làng có tất cả có 3 dân tộc bao gồm: dân tộc Lô Lô, dân tộc Mông và dân tộc Hán. Tất cả sống yên bình với những nương ruộng trồng ngô điểm tô sắc màu hoa cải và những hàng cây sa mộc thẳng tắp tô giữa bốn bề núi đá. Nếu một lần tới đây bạn sẽ cảm nhận được những nét văn hóa đặc sắc trong từng nếp nhà, từng câu hát của người dân tộc nơi đây.
Hoàng Su Phì
Hoàng Su Phì mang vẻ đẹp như một thiên đường hoang sơ, với bất kỳ ai yêu vẻ đẹp thiên nhiên thì mảnh đất này là nơi có sức hút vô cùng khó cưỡng. Hoàng Su Phì có một thứ được coi là đặc sản khiến mọi ánh nhìn đều bị thu hút và thốt lên ngỡ ngàng, đó chính là ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì. Nơi đây đẹp nhất vào mùa nước đổ và màu lúa chín. Vào độ tháng 5, khi nước được dẫn tới các ruộng khiến người ta phải ngỡ ngàng trước các thửa ruộng đồng miên man ánh nước bàng bạc, lấp lãnh như tấm gương khổng lồ soi mây trời xanh ngắt.

Đến mùa lúa chín, Hoàng Su Phì mộc mạc thường ngày lại chuyển mình thành một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ rực rỡ hiện ra trước mắt. Các bậc thang vàng óng như từ đỉnh núi trải dài xuống dòng suối uốn lượn bên dưới, thấp thoáng cả vùng lúa vàng óng ba la là bóng đồng bào dân tộc đang hăng say sản xuất, chiều buông là những nếp nhà ẩn hiện trong làn khói rơm rạ.
Tới đây bạn sẽ thấy bất ngờ bởi mái nhà xen ruộng lúa chênh vênh giữa trời, rải rác khắp nơi tô điểm cho những mảng màu mượt mà. Hơn cả là bạn cũng sẽ được chứng kiến và hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi đây, nhìn nụ cười hồn nhiên ánh mắt trong veo của các cô bé cậu bé người dân tộc, những phiên chợ đầy ắp tiếng cười và váy áo rực rỡ,.. đó là những niềm vui nhỏ bé nhưng vô tận, sẽ là kỷ niệm đẹp không thể quên trong hành trình của bạn.
Dốc Bắc Sum
Dốc Bắc Sum là một con đường uốn lượn nằm dưới chân “Núi Đôi”, nối liền giữa xã Minh Tân (Vi Xuyên) lên xã Quyết Tiến (Quảng Bạ). Dốc Bắc Sum hiểm trở, quanh năm bao phủ bởi sương mù, nhưng khi chinh phục được con dốc, đứng ở mộ góc của dốc bạn sẽ thấy phía dưới là một con đường hình chữ M với sự sắp đặt của tự nhiên vô cùng ấn tượng. Tuyến đường thể hiện sự gai góc và hiểm trở qua câu è của người dân Hà Giang: “Dốc Bắc Sum, hùm Cán Tỷ, phỉ Đồng Văn”.
Kinh nghiệm Du lịch Đà Nẵng – Full toàn tập 2016 : khách sạn ở đà nẵng giá tốt, review resort ở đà nẵng
Cốc Pài – Xí Mần
Cốc Pài là một thị trấn huyện lị của Xín Mần nằm nép mình trong không gian núi rừng hùng vĩ. Đây cũng là nơi được chọn làm điểm nghỉ phù hợp để tiếp tục khám phá những bản làng xa hơn. Từ trung tâm Cốc Pài đi cửa khẩu Xín Mần ước chừng 30 km. Dù thị trấn có địa hình núi đồi khó khăn, nhưng bằng đôi tay cần mẫn của bà con dân tộc nơi đây đã phủ xanh những ruộng bậc thang mênh mông cùng khung cảnh núi rừng thơ mộng. Tới tháng 11 hàng năm, Xí Mần là nơi khiến bạn mê mẩn với trời xanh, mây trắng và những mảng hoa tam giác mạch hoang sơ.
Thác Tiên
Đến Xí Mần mà chỉ ngắm núi đồi ruộng nương và hoa tam giác mạch không thôi sẽ là một thiếu xót lớn của bạn. Bởi nơi đây có một địa danh được coi là danh thắng bậc nhất huyện Xín Mần, đó chính là thác Tiên. Thác bắt nguồn từ suối Tả Ngán, xã Tả Củ Tỷ, Bắc Hà, Lào Cai ở độ cao trên 1.403 m. Khi đến địa phận thôn Ngam Lâm, xã Nấm Dẩn, dòng nước thả mình qua vách núi Đèo Gió tạo thành dòng thác đôi như mái tóc dài mềm mại, buông lững lờ của thiếu nữ tuổi trăng tròn.

Du khách muốn tới đây phải vượt qua khoảng 17 km từ trung tâm thị trấn Cốc Pài. Thác nằm giữa rừng nguyên sinh Đèo Gió thuộc địa phận xã Nấm Dẩn, nên sau khoảng chục cây số đổ đèo leo dốc là bạn đã được hòa mình vào một thế giới thiên nhiên thuần khiết với thảm thực vật nguyên sơ như: phong lan rừng, thảo mộc, nấm và các loại là nhiều loài gỗ quý nghìn năm tuổi.
Đổ xuống từ độ cao 70 m giữa rừng già kỳ vĩ, thác Tiên không ầm ào, hung dữ mà mềm mại, réo rắt, mang đến bầu không khí mát lành nhờ những hạt nước li ti lan tỏa theo làn gió quấn vào những người lữ khách ghé thăm. Bởi thế thác Tiên ngoài tên gọi Táng Tinh (theo tiếng Nùng) còn được gọi là thác Gió.
Quanh năm dòng nước thác không khi nào cạn, mùa mưa hay mùa khô đều êm ả nhẹ nhàng. Nước suối dưới chân thác lặng lẽ, yên bình và trong vắt quanh năm, nhìn thấu tận đáy. Đứng dưới chân thác, giữa không gian rộng lớn, con người như nhỏ bé trước màu xanh của cánh rừng già nguyên sơ ôm lấy dòng nước bạc.
Nếu có thời gian, bạn có thể xuôi dốc chừng 6 km nữa để đến tham quan Bãi đá cổ Nấm Dẩn nơi người Việt cổ sinh sống có niên đại trên 2.000 năm tuổi. Trải qua hàng nghìn năm, nhiều hoa văn, hình họa mang tính phồn thực ghi dấu ấn một thời xã hội Cổ đại mẫu hệ vẫn còn là điều bí ẩn, thu hút những người ưa khám phá.
Ngoài ra, bạn cũng có thể ngược lên đỉnh Đèo Gió để tham quan trang trại cá hồi. Đây là một trong những nơi hiếm hoi trong cả nước nuôi thử nghiệm thành công loài cá nước ngọt hồi vân có nguồn gốc từ vùng biển Thái Bình Dương ở khu vực Bắc Mỹ và châu Á.
Dinh vua Mèo

Dinh họ Vương nằm trên cao nguyên đá Đồng Văn, cách thành phố Hà Giang 125 km, là một địa điểm không thể bỏ qua tại thung lũng Sà Phìn. Ngôi nhà nằm oai nghiêm trên một quả đồi hình mai rùa. Với lối kiến trúc độc đáo, đây là điểm nhấn giữa vùng núi đá tai mèo bạt ngàn. Khu nhà Vương được xây dựng kết hợp hài hòa giữa kiến trúc của người Mông và người Hán ở vùng biên giới phía Bắc.
Cửa bằng gỗ, được chạm khắc hoa văn độc đáo có hình hoa anh túc – một loài cây gắn liền với sự phồn thịnh của vua Mèo một thời. Vẻ bề thế, uy nghi của công trình được tạo nên bởi sự phối hợp hài hòa, tinh xảo giữa các nguyên liệu quý như: đá xanh, gỗ sa mộc, ngói đất nung… Trên chính lối dẫn vào dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức.
Trên đường vào là hàng cây sa mộc trăm tuổi cao hơn 10 m với dấu vết thời gian hằn trên thân gỗ, nhìn uy nghiêm như những người lính gác tận tụy.Ngày nay, nơi đây trở thành điểm tham quan thu hút nhiều du khách. Giá vé vào tham quan: 20.000 đồng.
Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn là nơi mà bất kỳ du khách nào cũng không thể bỏ qua khi đến Hà Giang. Phố cổ Đồng Văn cổ kính, trầm mặc chứa đựng trong đó là văn hóa đặc sắc của miền núi đá Hà Giang. Phố cổ nằm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao quanh yên bình và mộc mạc. Nhưng vào sáng chủ nhật hàng tuần phố cổ như bừng tỉnh giấc với sự ổn ào của chợ phiên Đồng Văn. Chợ nằm ngay cạnh khu phố cổ của thị trấn Đồng Văn. Tới đây du khách tha hồ tham quan, giao lưu văn hóa với bà con dân tộc và thưởng thức những món ăn đặc trưng, dân dã nơi đây
Lũng Cú

Lũng Cú, điểm cực Bắc của Tổ quốc. Ở trên độ cao 2000 m so với mực nước biển, Lũng Cú là nơi duy nhất có người Lô Lô sinh sống. Đứng trên cột cờ Lũng Cú, nhìn lá cờ Tổ quốc phấp phới bay trong gió, tận mắt thấy điểm đầu tiên đặt nét bút vẽ nên bản đồ hình chữ S là lúc lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước dâng tràn. Nếu nhìn từ chân cột cở Lũng Cú, ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy hai cái hồ thiên tạo tròn vành đến kinh ngạc. Một điều đặc biệt phải kể đến là nước trong hồ rất ít khi cạn. Ngay cả khi trên 80% đất ở Đồng Văn bị hạn hán thì hồ vẫn có nước.
Ẩm thực du lịch Hà Giang
Theo kinh nghiệm du lịch Hà Giang của mình ẩm thực Hà Giang quả thật là phong phú, Hà Giang có rất nhều đặc sản như: phở Tráng Kìm, lạp xường gác bếp, mèn mén và tổ chua, xôi ngũ sắc, bánh tam giác mạch, bánh ngô nướng – rán, thắng cố và rượu ngô, bánh cuốn phố cổ Đồng Văn, thắng dền Mèo Vạc, mật ong bạc hà, cháo ấu tẩu,… đã làm say lòng biết bao khách phương xa khi được một lần nếm thử.
Phở Tráng Kìm

Chợ Tráng Kìm nằm cách trung tâm thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ khoảng hơn 10 km. Nơi đây có món phở trứ danh mà dân lái xe đường dài vẫn truyền tai nhau, cố đi đến đây thật sớm để thưởng thức. Đó chính là món Phở Tráng Kìm với sợi phở dày, cắt lát khá thô và dai nhưng kết hợp với thịt gà đồi lại tạo thành hai hương vị vô cùng ngon. Đặc biệt, tất cả sẽ được phủ một màu vàng bắt mắt từ bột nghệ. Bạn có thể ăn phở ở các quán khu vực trung tâm thôn Tráng Kìm và đặc sắc nhất là tại phiên chợ, họp mỗi thứ 5 hàng tuần.
Tiết canh lợn mán

Đây sẽ là món ăn mà thử thách sự can đảm của du khách nước ngoài nhưng chắc chắn là món ăn du khách Việt không thể bỏ qua. Bất cứ phiên chợ vùng cao nào cũng không thể thiếu tiết canh lợn. Thứ tiết được làm đông trong những cái bát sứt mẻ, nhưng đầy sụn và thơm phức mùi lạc rang cùng lá rau thơm. Sắc đỏ bắt mắt cùng màu xanh của rau thơm, màu vàng của lạc rang vô cùng thu hút. Khi ăn thì cảm nhận vị ngọt và thơm của các nguyên liệu hòa quện chắc chắn sẽ khiến bạn mê mẩn.
Thắng cố và rượu ngô
Bát thắng cố của cao nguyên đá to ụ với lẫn lộn ruột gan lòng mề. Thắng cố chuẩn phải làm từ ngựa hoặc bò, nấu không gia vị nên khi ăn sẽ được kèm bát muối. Khi ăn uống cùng chén rượu ngô cay xè nóng cháy họng rồi lại thêm miếng thắng cố đậm vị và ngọt nước ngồi lắng nghe những người đàn ông, đàn bà vui vẻ trò chuyện sẽ là một điều nhỏ bé khiến chuyến đi của bạn thêm kỷ niệm đẹp.
Bánh cuốn chan

Không rõ từ bao giờ, đây là món ăn được cả khách Tây và khách Việt biết đến khi tới Đồng Văn. Những hàng quán đơn sơ, bánh được tráng trực tiếp trên bếp củi, tùy theo khẩu vị của người ăn mà cho nhân có thịt và mộc nhĩ hoặc trứng tráng. Bánh được để trong nhưng bát canh to với nước xương ninh nhừ làm nên sự đặc biệt của món ăn. Ngoài ra còn giò đũa được thả kèm vào bát canh, quyện lẫn vị ngọt của nước xương, mùi thơm của hành lá mang lại thứ hương vị đặc biệt khiến ai đi qua cũng cảm thấy thèm thuồng và ghé vào thưởng thức.
Lạp xường gác bếp

Lạp xường gác bếp chỉ lên vùng cao mới có, hương vị thơm thơm mùi thịt và khói bếp quyện vào, có thể dùng để rán, hấp nhắm kèm với rượu hoặc chế biến cùng nhiều món ăn khác tùy khẩu vị.
Thắng dền
Là một đặc sản của vùng cao nguyên đá, thoáng nhìn thắng dền giống với món bánh trôi tàu của người dưới xuôi nhưng có những nét rất riêng. Những viên bánh thắng dền chỉ làm to hơn ngón tay cái một chút, được thả trong bát có hỗn hợp nước đường ngọt ngậy với nước cốt dừa và gừng. Chúng tạo lên một hương vị ngọt, béo và cay cay.
Trong mỗi bát thắng dền còn được cho thêm những viên lạc hay vừng đã rang chín, giòn giòn mà thơm phức, trông hấp dẫn hơn nhiều.Cảm giác xì xụp bát thắng dền với vị ngọt cay của đường, của gừng và miếng bột gạo mềm mềm, sần sật giữa không gian rừng núi đá mộc mạc rất thú vị.
Mèn mén và tổ chua
Cái tên mèn mén gây tò mò cho nhiều khách du lịch nhưng có thể hiểu đơn giản đó là món ăn được làm từ ngô tẻ qua nhiều công đoạn để có được bột ngô rồi đem hấp chín. Món mèn mén được thưởng thức khi nóng, nhai kỹ thấy một vị ngọt bùi ở đầu lưỡi. Tổ chua lại làm từ bột đậu, nấu kèm rau cải mèo. Có lẽ vì bát canh tổ chua có vị thanh mát nên thường ăn kèm với mèn mén.
Xôi ngũ sắc

Gạo nếp được đồ với các loại lá cây rừng để tạo nên 5 màu đặc trưng cho trời đất. Một món ăn rực rỡ sắc màu và nóng hổi, lại có hương vị riêng cho mỗi màu. Đây là món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng.
Bánh tam giác mạch, bánh ngô nướng – rán
Hoa tam giác mạch không chỉ làm đẹp cho cao nguyên đá thêm khung cảnh thiên đường mà hạt tam giác mạch còn đi vào cuộc sống đời thường của người dân nơi đây qua các món ăn độc đáo. Một trong số đó là bánh tam giác mạch, bánh được làm từ bột gạo nếp trộn lẫn cùng bột tam giac mạch và cả lá gai đem nhào mịn rồi nặn thành hình tròn và chiên trong chảo mỡ ngập bánh hoặc nướng trên bếp than hồng rực lửa. Khi ăn bánh vừa có vị dẻo của gạo nếp, lại có mùi vị đặc trưng của tam giác mạch. Bánh ngô cũng được chế biến như vậy và bạn hãy thưởng thức rồi chọn loại yêu thích.
Cháo ấu tẩu
Đối với nhiều người, đây được xem là đặc sản nổi tiếng mà phải thử khi tới Hà Giang. Cháo ẩu tẩu nấu từ gạo ninh nhừ, kèm thêm thịt băm hoặc chân giò và tất nhiên không thể thiếu ấu tẩu được chế biến rất đặc biệt. Ấu tẩu là loài có độc tố cao, có thế gây chết người nếu không chế biến đúng cách. Vị đắng của ấu tẩu khiến nhiều người thấy khó ăn nhưng một khi đã quen rất dễ nghiện.
Món cháo ấu tẩu chỉ được nấu vào buổi tối. Đêm đông phố núi, tìm quán cháo ấu tẩu để thưởng thức sẽ là một cảm giác thật tuyệt và giúp bạn có một giấc ngủ ngon.
Ngoài ra còn một số món ở cao nguyên đá mà chỉ may mắn bạn mới được thưởng thức vì chúng có theo mùa và số lượng rất ít như: Gà đen H’Mông, Ếch đá Đồng Văn, Rau bí Cao nguyên đá, Thảo quả muối chua, Cá suối.
Mật ong bạc hà

Đây là đặc sản mà bất kỳ ai đến với Hà Giang cũng tìm mua bằng được. Nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu bởi cách chế biến đặc biệt và số lượng không nhiều. Mật ong bạc hà có vị ngọt, thơm ngon của mật ong hòa quyện trong mùi hương thanh mát của bạc hà, tạo cho bạn cảm giác thư thái nhất khi thưởng thứ. Có lẽ bởi hương vị đặc biệt của sương sớm, núi rừng, cái nắng cái gió Hà Giang kết hợp cùng sự bổ dưỡng của mật ong đã khiến nó trở thành một đặc sản làm say lòng bất cứ ai đến với vùng đất này.
Video du lịch Hà Giang
https://www.youtube.com/watch?v=I0UoXoarIwQ
Nghỉ ngơi khi du lịch Hà Giang
Thôn Lô Lô gần Lũng nổi tiếng với dịch vụ homestay do Đại sứ quán Luxembourg tài trợ xây dựng, kết hợp với chính phủ Ireland để phát triển du lịch tại nơi đây. Những ai từng ghé thăm Lô Lô Chải đều thích thú trải nghiệm ăn tối cùng người bản địa với những món ăn dân dã như thịt lợn gác bếp, gà đen, đậu hà lan và tất nhiên không thể thiếu những ly rượu ngô với hương vị quyến rũ.
Theo kinh nghiệm du lịch Hà Giang của mình bạn cũng có thể trải nghiệm sống trong những gia đình mà các nơi bạn đi qua. Người dân ở đây nổi tiếng hiếu khách, thân thiện nên bạn sẽ dễ dàng hơn khi hòa mình vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ. Bạn sẽ khó quên được những bữa ăn, công việc, ở trong nhà hoặc trò chuyện cùng họ giữa núi rừng hoang sơ. Với giá chỉ 50.000 – 70.000 đồng mỗi người. Ngoài ra bạn có thể thuê nhà nghỉ ở: Hà Giang, Quản Bạ, Yên Minh và Đồng Văn.. có rất nhiều nhà nghỉ bình dân.
Tư vấn tour, đăt phòng khách sạn, nhà nghỉ gọi: 0166 8712 937
Tour du lịch Hà Giang
Theo kinh nghiệm du lịch Hà Giang của mình có hai con đường chính để đi Hà Giang nếu bắt đầu từ Hà Nội.
- Cung 1: Khởi hành từ Hà Nội – Sơn Tây – cầu Trung Hà – Cổ Tiết – cầu Phong Châu (qua cầu Phong Châu rẽ tay trái) – men theo sông Thao tới thị xã Phú Thọ – Đoan Hùng rồi rẽ đi Tuyên Quang – theo quốc lộ 2 tới Hà Giang (chiều dài khoảng 300 km).
- Cung 2: Khởi hành từ Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang (hay tới quốc lộ 2C và quốc lộ 2, dài khoảng 280 km).
Lịch trình đi và tham quan
Ngày 1:
Khởi hành từ Hà Nội vào buổi sáng. Tới Hà Giang vào lúc chiều tối. Bạn có thể nghỉ buổi tối ngay tại thành phố Hà Giang để đảm bảo sức khỏe, sau quãng đường 300 km. Buổi tối bạn có thời gian đi một vòng thành phố và ăn, nghỉ giữ sức cho ngày mai tiếp tục hành trình.
Ngày 2:
Rời Hà Giang đi Quản Bạ, Yên Minh và tới cao nguyên đá Đồng Văn (có thể dừng ăn trưa tại Yên Minh hoặc Quản Bạ). Trên đường đi Đồng Văn bạn rẽ vào Phó Bảng (5 km) để thăm thị trấn ngủ quên. Nơi đây có những ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo. Trên đường vào Phó Bảng bạn còn có cơ hội đi qua thung lũng hoa hồng và một cánh đồng tam giác mạch lớn ở ven đường (cách thị trấn khoảng 500 m).
Rời Phó Bảng, địa điểm tiếp theo ngay dưới chân dốc là thung lũng Sủng Là. Nơi có thôn Lũng Cẩm nổi tiếng với ngôi nhà trong phim “Chuyện của Pao” và những thửa ruộng tam giác mạch trắng đẹp mê hồn. Ở Lũng Cẩm rất yên bình, bạn sẽ được tham quan những ngôi nhà người H’Mông lâu đời, con đường với hàng lê san sát và những cây thông ôn đới đẹp tuyệt vời.
Rời Lũng Cẩm, địa điểm tiếp theo là Sà Phìn. Trên đường đi bạn sẽ gặp những thửa ruộng tam giác mạch nằm ngay khúc cua lên bãi đá mặt trăng.
Đến Sà Phìn, bạn ghé thăm dinh thự nhà họ Vương (hay còn họi là nhà vua Mèo). Đây là một trong những dinh thự cổ còn xót lại của những gia đình giàu có nhờ buôn thuốc phiện ở Hà Giang.
Từ dinh thự họ Vương, bạn quay trở lại ngã 3 rẽ đi cột cờ Lũng Cú. Qua Phố Là, Ma Lé để đến cột cờ Lũng Cú – nơi đặt nét bút đầu tiên trên bản đồ hình chữ S. Ngay trên đường từ Ma Lé vào Lũng Cú bạn sẽ thấy một cánh đồng tam giác mạch lớn trên sườn đồi. Đây là nơi trồng nhiều tam giác mạch nhất cho đến hiện tại. Hành trình tiếp tục đến cột cờ Lũng Cú.
Sau cột cờ Lũng Cú, bạn có thể lựa chọn quay check cột mốc 428 và sau đó đi Đồng Văn hoặc về thẳng phố cổ Đồng Văn. (chú ý: Theo kinh nghiệm du lịch Hà Giang của mình bạn nên để ý đến vấn đề thời gian vì đi tới mốc 428 hoàn toàn là đi bộ mất tới gần 3 giờ).
Về ăn tối và nghỉ lại tại Đồng Văn
Ngày 3:
Ăn sáng tại Đồng Văn và lên đường chinh phục Mã Pì Lèng, đi Mèo Vạc, Bắc Mê rồi về lại Hà Giang ăn trưa. Bạn có thể về Hà Nội lúc tối muộn hoặc nghỉ ở Hà Giang một tối sáng hôm sau quay về Hà Nội. Vì đoạn đường này dài hơn 400 km nên bạn cần chuẩn bị sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý đảm bảo cho một chặng hành trình khỏe mạnh và an toàn.
Lưu ý khi du lịch Hà Giang
Theo kinh nghiệm du lịch Hà Giang của mình:
- Nên tìm thông tin và đặt thuê phòng nghỉ trước nếu đi đoàn đông, tránh tình trạng hết phòng hoặc bị chặt chém. Giá dịch vụ ở Hà Giang cao hơn so với các địa điểm du lịch miền Bắc khác, nên bạn cần chuẩn bị sẵn tâm lý và nhớ hỏi giá trước.
- Nếu đi xa bằng xe máy bạn nên mang theo dụng cụ vá và săm dự phòng, tránh trường hợp đi trên đèo dốc không có quán sửa xe. Không nên đi đoàn quá đông để đảm bảo an toàn trên đường.
- Hạn chế uống nhiều rượu, bia vào khiến cơ thể mệt mỏi, không đảm bảo sức khỏe cho chặng hành trình.
- Không nên cho tiền người dân và trẻ em trên đường tạo thành thói quen xấu.
- Khi đi tới các thửa ruộng, cánh đồng tam giác mạch chụp ảnh bạn cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ tài sản của người nông dân. Nếu đi mùa có hoa cúc dại cũng không nên ngắt hoa đem về.
- Hãy Luôn nhớ câu nói “Không lấy gì ngoài những bức ảnh và không để lại gì ngoài những dấu chân” bạn nhé!
Các bài viết hay về Du lịch Miền Bắc
- Du lịch Mộc Châu – Ăn gì? Chơi gì?
- Du lịch Mù Căng Chải (kinh nghiệm tổng hợp)