Lễ Hội Đẹp nhất Hàn Quốc và Nhật Bản – Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia thuộc vùng đông bắc Á rất nổi tiếng với nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Có thể nói đây là 2 quốc gia có nhiều lễ hội truyền thống đẹp nhất trong khu vực và những lễ hội này diễn ra quanh năm. Chính vì vậy, khách du lịch Hàn Quốc và Nhật Bản thường cũng thích chọn thời điểm chuyến đi của mình trùng với thời điểm diễn ra những lễ hội lớn để có thể trải nghiệm được những nét văn hóa độc đáo của 2 đất nước này.
Tổng hơp 10 Lễ Hội Đẹp nhất Hàn Quốc và Nhật Bản
LỄ HỘI LỚN Ở HÀN QUỐC
1. Lễ hội băng Hwacheon Sancheoneo
Được coi là Lễ hội mùa đông lớn nhất ở Hàn Quốc diễn ra vào tháng 1 hàng năm, kéo dài tới 23 ngày tại tỉnh Gangwon, cách thủ đô Seoul 118 km về phía đông bắc, khi thời tiết hết sức lạnh giá và băng tuyết vẫn còn ở nhiều nơi. Thời điểm lễ hội diễn ra nhiệt độ thường xuyên thấp kỷ lục, xuống tới -10 độ C nhưng số lượng người tham gia lễ hội năm nào cũng tăng chứ không hề giảm.

Hoạt động chính của lễ hội là câu cá hồi trên băng, hoạt động này diễn ra trên 1 khúc sông lạnh giá đã bị đóng băng rất dày. Hàng ngàn người tập trung tới đây, đứng hoặc nằm dài xuống băng, thậm chí thò tay xuống làn nước lạnh cóng để bắt những con cá hồi. Thành quả sẽ được mang tới những khu vực nhà hàng lưu động gần đó để họ chế biến, phục vụ khách du lịch ngay tại chỗ.
Ngoài ra, còn có những cuộc thi náo nhiệt diễn ra trong suốt những ngày này như câu cá bằng miệng, đắp người tuyết, điều khiển xe trượt tuyết…
2. Lễ hội lửa Jeongwol Daeboreum ở Jeju

Nhắc tới Hàn Quốc chắc không ai là không biết tới đảo Jeju. Bởi đây là nơi được coi là thiên đường trăng mật đối với những cặp đôi nhờ vào khung cảnh lãng mạn, nơi được coi là một trong những khởi nguồn văn hóa Hàn Quốc. Và đây cũng là nơi duy nhất ở Hàn Quốc miễn visa cho người Việt Nam. Những lý do này khiến Jeju trở thành điểm đến rất “hot” trong những năm gần đây. Đây cũng là điểm du lịch thu hút khách nhất vào thời điểm đầu tháng 3 vì có một lễ hội văn hóa đặc sắc của vùng đất này là lễ hội Lửa.
Đây là lễ hội tái hiện lại việc đốt những cánh đồng trên các thảo nguyên lớn để đuổi những sâu bọ có hại, và để cho lớp cỏ non mới mọc lên, hoạt động này cũng với mục đích cầu mong mùa màng bội thu và chăn nuôi gia súc thuận lợi. Ngoài hoạt động chính này thì cả đảo trong thời gian lễ hội sẽ sống lại cuộc sống truyền thống từ những công việc nông – ngư nghiệp, ăn những món ăn có lịch sử lâu đời, chơi những trò chơi dân gian tới việc tự tay làm những sản phẩm truyền thống. Đây cũng là cơ hội để khách du lịch có thể vừa tham gia các trò chơi dân gian vừa thưởng thức cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của hòn đảo này.
3. Lễ hội cát Haeundae
Lễ hội này là một trong những lễ hội thu hút nhất vào mùa hè ở Hàn Quốc, diễn ra từ ngày 6 đến ngày 9/6 hàng năm tại bãi biển Haeundae, thành phố Busan. Tại sao lại gọi đây là Lễ hội cát? Bởi đây là khu vực bờ biển có bãi cát mịn, rất đẹp ở Hàn Quốc và trong dịp lễ hội này ngoài tắm biển thì khách du lịch có thể tham gia vào các hoạt động liên quan đến cát như: tắm bồn cát nóng, thi bóng chuyền bãi biển, triển lãm các loại cát khác nhau từ khắp nơi trên thế giới…
Cả bãi biển Haeundae được tạo hình thành những hình dạng hấp dẫn khiến ai cũng phải trầm trồ khi ngắm nhìn và muốn được chụp ảnh cùng với những tác phẩm như: tháp Effel, Tượng Nữ Thần Tự Do, chân dung các vị tổng thống, những nhân vật trong chuyện cổ tích và hàng ngàn các tác phẩm về mọi chủ đề ngay trên nền cát Haeundae…

Du khách cũng có thể tham quan các điểm đến nổi tiếng khác ở gần bãi biển như chợ cá Jagalchi, thưởng thức món sushi truyền thống của Busan được chế biến hết sức cầu kỳ rất hấp dẫn ngay tại những nhà hàng bên bờ biển Haeundae xinh đẹp hay ngắm nhìn màn pháo hoa lộng lẫy vào ban đêm…
4. Trung thu – lễ hội Chuseok
Trung thu (rằm tháng 8 Âm lịch hàng năm) là một trong những ngày lễ quan trọng đối với các nước sử dụng lịch âm ở Châu Á, nhưng trung thu ở Hàn Quốc còn đặc biệt quan trọng hơn nữa. Trung thu được gọi là Chuseok hay Jungchu là lễ hội lớn nhất trong năm ở Hàn Quốc, người Hàn Quốc đón mừng dịp này ở nhiều khu vực còn lớn hơn cả Tết Nguyên Đán bởi đây còn là lễ Tạ ơn của cả người Hàn Quốc và người Triều Tiên. Chuseok còn có tên gọi khác nữa là Hangawi. Từ “Han” có nghĩa là lớn và “gawi” có nghĩa là ngày rằm Tháng 8.
Trong ngày lễ Chuseok này, những người nông dân làm lễ tạ ơn tổ tiên vì đã cho một mùa màng bội thu trong năm và cầu mong cho mùa màng năm sau bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc và đầy đủ hơn nữa. Đây cũng là ngày sum họp đoàn tụ của các gia đình, là dịp những người Hàn đang sinh sống, học tập, làm việc xa nhà trở về với gia đình cùng trò chuyện, ăn uống và hưởng thụ những thành quả của vụ thu hoạch duy nhất trong năm.

Việc quan trọng nhất trong lễ Chuseok là việc thể hiện lòng tôn kính, hiếu thảo với tổ tiên, đó là nghi thức Beolcho và Seongmyo. Vào ngày Chuseok, các gia đình sẽ đến phần mộ của tổ tiên mình, cắt cỏ dại và dọn dẹp khu vực xung quanh mộ. Sau khi vệ sinh phần mộ xong, họ sẽ dâng cúng tổ tiên một mâm lễ bao gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch được để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên đã phù hộ. Sau đó mọi người trở về và tụ họp tại gian nhà chính, nơi bày bàn thờ tổ tiên để tiến hành các nghi lễ. Khi cúng xong các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để thưởng thức những món ăn đặc trưng của lễ Chuseok.
Những trò chơi dân gian hay các điệu múa truyền thống là điều không thể thiếu trong lễ hội Chuseok. Chính vì vậy, nếu đến Hàn Quốc dịp này, khách du lịch có thể tham gia vào không khí náo nhiệt nhưng cũng đầy tôn nghiêm của ngày lễ này.
5. Lễ hội văn hóa Hwaseong Suwon
Hwaseong Suwon là lễ hội văn hóa đặc trưng được tổ chức tại thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi vào tháng 10 hàng năm nhân dịp ngày Công dân Suwon. Đây cũng là nơi có pháo đài Hwaseong (được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới), nơi thu hút khách tham quan nhất và trở nên náo nhiệt trong suốt dịp lễ hội. Lễ hội là dịp gắn kết mọi người lại với nhau, là dịp để giới thiệu nền văn hóa Hàn Quốc với khách du lịch khắp nơi trên thế giới. Nếu đến Hàn Quốc vào dịp tổ chức lễ hội, chắc hẳn bạn sẽ có một ấn tượng khó phai về những hoạt động diễn ra trong suốt dịp này. Bạn sẽ cảm nhận được một Hàn Quốc rất sôi động và giàu truyền thống văn hóa.

Một loạt sự kiện được tổ chức như tái hiện lễ rước hoàng gia Đại đế Jeongjo (vị vua thứ 22 của triều đại Joseon), nghi lễ đội vệ quân Jangyongyeong, diễu hành của công dân, cùng với nhiều tiết mục biểu diễn truyền thống khác. Tham gia lễ hội, du khách còn được nếm thử các món ăn truyền thống từ khắp nơi trên thế giới.
LỄ HỘI LỚN Ở NHẬT BẢN
1. Tết Nhật Bản – Oshougatsu

Nhật Bản là nước châu Á đầu tiên đã mở cửa du nhập văn hoá, văn minh phương Tây nên ngay từ năm 1868 với công cuộc cải cách duy tâ
n mang tên Thiên hoàng Minh Trị (Meiji), nước Nhật đã chấm dứt việc đón Tết Nguyên Đán theo Âm lịch giống với hầu hết các nước trong khu vực và chuyển sang đón Năm mới theo Dương lịch. Đây là thời điểm các gia đình ở Nhật Bản nghênh đón vị thần Toshigamisama đến thăm nhà. Tuy nhiên, dù đón năm mới theo Âm lịch hay Dương lịch thì người Nhật vẫn có những nét văn hóa đậm tính truyền thống như: treo shimenawa (kiểu vòng hoa được bện bằng rơm với những băng giấy nhiều màu) trước của nhà; trang trí kadomatsu (cây thông) ở cạnh cửa; treo wakazari (vòng tròn được bện bởi dây thừng, hoa…) trong bếp, trước đầu xe ô tô hoặc xe đạp…
Chính vì vậy đến Nhật Bản những ngày này các bạn sẽ thấy những con phố ngăn nắp được trang hoàng từ trong nhà ra tới ngoài ngõ, đến cả những chiếc xe chạy trên đường cũng trở nên thú vị hơn với những vòng wakazaki trước mũi… Một phong tục quan trọng trong ngày Tết chính là thắp hương cúng tổ tiên và các vị thần vào đêm giao thừa bằng các loại bánh Mochi và bánh Tokonoma, được tạo hình rất cầu kỳ và đẹp. Sau khi thắp hương các gia đình sẽ đi lễ chùa, cầu mong những điều tốt lành sẽ đến với gia đình mình. Đến Nhật Bản vào đúng dịp này các bạn đừng quên tới những ngôi chùa lớn để cùng nghe 108 tiếng chuông báo hiệu giao thừa và hòa mình vào dòng người mặc kimono đi lễ chùa.

Sang ngày mùng 1 Tết, là ngày vị thần Toshidon xuất hiện tặng bánh cho các em bé nên thường người Nhật luôn ăn bánh Ozoni. Trẻ em được nhận lì xì, chơi các trò chơi dân gian như thả diều, cầu long, chơi quay… Các gia đình đi chúc Tết nhau hoặc tặng nhau những tấm thiệp năm mới. Thời điểm đón Tết này ở Nhật Bản vẫn còn khá lạnh nên các bạn có thể kết hợp chuyến du lịch của mình với một số địa điểm ngắm tuyết hoặc trượt tuyết, khá thú vị vì ở Việt Nam chúng ta không có tuyết.
2. Lễ hội búp bê – Hina Matsuri
Hinamatsuri là lễ hội dành cho các bé gái, một lễ hội đẹp nhất ở Nhật Bản với mong muốn các bé gái sẽ lớn lên khỏe mạnh, xinh đẹp và thông minh. Tại sao lễ hội dành cho các bé gái còn được gọi là Lễ hội búp bê? Bởi truyền thống chơi búp bê này được bắt nguồn từ thời Heian (794-1185). Người Nhật xưa cho rằng những con búp bê có thể ngăn cản được linh hồn xấu, nên họ làm những con búp bê bằng rơm, thả trôi sông để chúng mang những điều xấu xa khỏi các bé gái.
Lễ hội này diễn ra vào ngày 3 tháng 3 hàng năm nhưng người Nhật bày búp bê trong nhà từ tháng 2, sau lễ hội họ sẽ cất hết những con búp bê đi, và phải cất trước ngày 4 tháng 3, nếu không các bé gái khi lớn lên sẽ lấy chồng muộn. Những con búp bê được người Nhật bày trên một tấm thảm màu đỏ, được xếp thành những tầng bậc cụ thể một cách trật tự. Ở tầng cao nhất có hai búp bê vua và hoàng hậu mặc trang phục lộng lẫy. Tầng thứ 2 là búp bê cung nữ. Tầng thứ 3 là búp bê nhạc công với những nhạc cụ khác nhau. Tầng thứ tư là búp bê đại thần, người già và người trẻ mang cung tên. Tầng thứ 5 là búp bê samurai. Tầng thứ 6 và 7 là những đồ dùng sang trọng được sử dụng trong hoàng cung. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể sắm được cả bảy tầng đúng như nghi thức mà thường đơn giản hóa đi, chỉ bày những tầng cơ bản nhất ở trên cùng, có bộ 2 búp bê hoặc có bộ 5 búp bê.

Trong nhày này, các bé gái có thể mời bạn bè đến nhà cùng thưởng thức những món ăn và bánh kẹo được dâng cho các búp bê. Có lúc các bé cũng tự mình chuẩn bị những món ăn đó. Các bé cùng uống rượu ngọt Shirozake, ăn bánh Hishi Mochi và các loại kẹo trái cây, xôi đỗ Sekihan, các loại thạch… Các món ăn đều đuợc cho các màu sắc phong phú màu xanh, hồng, trắng và được chế biến từ các loại lá cỏ tốt cho sức khỏe nhằm xua đuổi bệnh tật… Hoặc ngày nay rất nhiều làng, nhiều vùng có trưng bày những bộ sưu tập búp bê của khu vực mình ở trong dịp lễ hội này để các khách du lịch cũng có cơ hội ngắm nhìn và tham gia vào lễ hội.
3. Lễ hội hoa đào Hanami
Hàng năm, cứ mỗi độ cuối tháng 3, đầu tháng 4 chính là lúc người Nhật nô nức rủ nhau đi ngắm hoa đào, đó cũng chính là lúc thời tiết ấm lên, hoa đào nở rộ nên dịp này còn được coi là Lễ hội Mùa xuân. Hoa đào hay Sakura, trong tiếng Nhật là Hana, kết hợp với mi là nhìn ngắm nên lễ hội này có tên là Hanami, cái tên này xuất hiện từ thời Heian (794-1145) trong cuốn tiểu thuyết trứ danh "Chuyện kể Genji". Loài hoa này thưởng nở chỉ trong khoảng 2 tuần, khi nó rực rỡ nhất chính là lúc nó bắt đầu rụng. Nên người Nhật coi đây là Quốc hoa, loài hoa tượng trưng cho tinh thần Võ sĩ đạo (Samurai) của mình – đẹp rực rỡ cho tới khi kết thúc cuộc đời mình, thậm chí ngay cả khi kết thúc rồi vẫn trong tư thế hiên ngang, ngẩng cao đầu.

Hàng năm, người Nhật theo dõi ngày hoa nở rất chú trọng để có thể lên kế hoạch đưa gia đình mình đi ngắm hoa. Những địa điểm ngắm hoa được yêu thích nhất là Công viên Ueno (Tokyo), đảo Okinawa, bờ hồ Kawaguchiko nhìn ra đỉnh Phú Sĩ hay con đường Triết gia (lối vào chùa Bạc Ginkakuji) ở Kyoto. Trong tiết trời xuân ấm áp, người dân Nhật thường chọn cho mình những địa điểm trồng nhiều hoa anh đào nhất để tổ chức picnic, ngắm hoa, trò chuyện, ca hát cả ngày lẫn đêm. Họ thưởng thức những món ăn truyền thống như sushi, cơm hộp bento, uống rượu sake hay một loại rượu thường uống khi ngắm hoa được gọi là Hanamizake.
Vào thời điểm này, các bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh các võ sĩ sumo hay những người phụ nữ Nhật trong trang phục kimono truyền thống. Đến Nhật Bản vào thời điểm này thì thật là tuyệt bởi trên khắp đầt Nhật, đâu đâu cũng trở nên bừng sáng vì sắc hoa anh đào.
4. Lễ hội Gion Matsuri – Kyoto

Là một trong ba lễ hội lớn nhất ở Nhật Bản, lễ hội Gion Matsuri hay còn được gọi là Gion san, được tổ chức từ ngày 01/07 đến 31/07 hàng năm tại đền Yasaka, Kyoto, có nguồn gốc từ lễ tẩy trần để làm dịu đi suy nghĩ gây hỏa hoạn, lũ lụt và động đất của các vị thần. Đền Yasaka là một trong 3 ngôi đền nổi tiếng nhất ở Kyoto, được xây dựng từ năm 656, nằm ở phía đông Kyoto thờ ba vị thần của Thần đạo là Susanoo, Kushiinadahime và Yahashira.
Một trong những nét đặc biệt nhất của lễ hội Gion Matsuri là lễ diễu hành Yamaboko Yunko được tổ chức vào ngày 17/07 với 32 chiếc kiệu. Để chuẩn bị cho buổi diễu hành, từ nhiều ngày trước đó, những chiếc xe đã được trang trí các món đồ thủ công tinh xảo cùng nhiều đồ vật mang đậm nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Có hai loại kiệu khác nhau: Yama và Hoko. Hoko là loại kiệu dạng xe dài khoảng 25m và nặng tới 12 tấn. Kiệu rước Yama nhỏ hơn và được vác trên vai của những người tham gia. Ngoài lễ diễu hành, lễ hội Gion Matsuri còn có nhiều hoạt động chuẩn bị, vui chơi, hội họp rất phong phú, đặc biệt vào các ngày từ 14 đến 16/07 như Omukae Chochin (lễ chào đón kiệu), Mikoshi Arai (lễ thanh tẩy kiệu), Gion Bayashi (lễ kéo thử kiệu)… Chính vì vậy khách du lịch thường chọn thời điểm này để tới Kyoto.
Trong những ngày này, khu trung tâm Kyoto sẽ được dành riêng cho người đi bộ, dãy phố dài với những quán bán đồ ăn truyền thống trong lễ hội, những góc phố biến thành rạp biểu diễn kịch Kyogen, múa trừ tà Iwami Kagura, triển lãm các bảo vật gia truyền…
5. Lễ hội văn hóa Bunkasai
Là một đất nước hiếu học nên Nhật Bản có hẳn 1 ngày lễ được tổ chức ở hầu hết các trường học trên toàn đất nước Nhật Bản, từ Trung học đến Đại học, nơi học sinh thể hiện những thành tựu của mình vào cuối tháng 10 đầu tháng 11, thông thường sẽ vào 2 ngày cuối tuần. Tất cả mọi người vào ngày này đều muốn đến trường để tham gia vào lễ hội chứ không chỉ là những bậc cha mẹ mới muốn đến. Vì ở các trường học vào dịp này sẽ biến thành một sân khấu lớn, có biểu diễn của các câu lạc bộ trong trường từ ca hát, nhảy múa tới diễn kịch, đấu kiếm… Sân trường biến thành các quán cà phê, nhà hàng tạm thời để phục vụ khách tham gia lễ hội.

Mỗi khối lớp sẽ phụ trách một sự kiện (theo quan điểm giáo dục thì hình thức này sẽ giúp học sinh học cách điều hành một doanh nghiệp). Hai hình thức phổ biến nhất đó là biến lớp học thành một quán cà phê nhỏ, một nhà hàng hoặc một ngôi nhà ma (Obakeyashiki). Đây có lẽ là một thành một phần không thể thiếu của lễ hội Bunkasai. Đây cũng là dịp để học sinh các trường có thể ghé thăm các trường khác, hoặc học sinh trung học tới tham gia lễ hội văn hóa ở các trường Đại học để tìm hiểu về những nét văn hóa đặc biệt của những ngôi trường này. Các trường cũng trang hoàng thật hấp dẫn, bắt mắt, phát tờ rơi, dán poster để thu hút nhiều học sinh các trường khác đến chơi.
Du lịch Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay đã trở nên khá dễ dàng và thuận tiện, chính vì vậy ngày càng nhiều khách du lịch quan tâm tới 2 quốc gia ở vùng đông bắc Á này. Toidi.net hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích được cho quý khách nhiều hơn trong việc lựa chọn thời điểm diễn ra những lễ hội đẹp nhất để đến với 2 đất nước xinh đẹp và giàu truyền thống văn hóa này.
Nguồn: cẩm nang du lịch