Lễ Hội Chùa Hương Trở Về Với Một Miền Đất Phật Linh Thiêng
Lễ hội chùa hương là ngày nào ?
Lễ hội chùa Hương diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng đến hạ tuần tháng 3 âm lịch và đỉnh cao của lễ hội kéo dài từ rằm tháng riêng đến 18 tháng 2 âm lịch hằng năm. Lễ hội chùa Hương có từ thời Vua Lê – Chúa Trịnh, bắt nguồn từ sự hình thành ngôi chùa Hương ở Hà Tĩnh nhưng đến nay đã trở thành một lễ hội hoành tráng và được mong đợi nhất ở miền Bắc Việt Nam. Vào dịp lễ hội chùa Hương đón hàng triệu phật tử cùng du khách thập phương về trẩy hội, đây cũng là dịp được trở về với một miền đất Phật linh thiêng.
Hành trình về một miền đất Phật – nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.

Chẳng biết từ bao giờ lời bài hát, lời ca dao về lễ hội chùa Hương đã đi sâu vào tâm thức người Việt. Những lời hát quen thuộc như bài hát “Em đi hội chùa Hương” đã trở nên thân thuộc qua bao thế hệ và chứa đựng một hình ảnh lễ hội không thể bỏ lỡ trong năm:
“Hôm qua em đi chùa Hương, hoa cỏ còn mờ hơi sương
Cùng thầy me vấn đầu soi gương
Nho nhỏ cái đuôi gà cong,em đeo cái dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới tay em cầm chiếc nón quai thao
Chân em đi đôi guốc cao cao
…
Giờ đi qua sông này, mọi người khách cùng qua
Thẹn thùng em không nói
Nam mô a di đà, nam mô a di đà…”

Giới thiệu về Chùa Hương:
- Là danh thắng bao gồm một quần thể chùa, động, suối, núi sơn thủy hữu tình thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội.
- Lễ hội chùa Hương diễn ra hằng năm, được mệnh danh là lễ hội lớn nhất và kéo dài nhất ở Việt Nam

Lễ hội Chùa Hương diễn ra bao gồm
- Phần lễ
- Phần hội
Phần lễ của lễ hội chùa hương diễn ra khá đơn giản nhưng vô cùng linh thiêng và trang trọng, thể hiện sự thành kính của phật tử và nhân dân đối với đức Phật. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu trên địa bàn xã Hương Sơn, nằm trong thung lũng suối Yến đều khói hương nghi ngút, mọi người chuẩn bị những đồ lễ để dâng lên đức Phật, các hàng quán bày bán hương hoa và đồ cúng trải dài hai bên đường đi, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn.

Ngày hôm sau, khi phần lễ diễn ra phật tử và nhân dân bắt đầu dâng hương, hoa, đèn, nến, quả và đồ chay sẽ được tăng ni của chùa mang đồ lễ lên đàn thờ. Trong suốt dịp diễn ra lễ hội khu di tích được bao trùm hương khói tỏa khắp miền. Phần lễ của lễ hội Chùa Hương bao gồm Đạo, Phật và Nho giáo, những nghi lễ rất gần gũi với người Việt nhưng lại mang đầy sự trang trọng, sự linh thiêng. Vì thế, từ lâu người ta đã coi trẩy hội chùa Hương là một việc phải làm trong dịp đầu năm mới để cả tâm hồn và thể xác được thoát tục, được hướng đến những điều thiện và những điều tốt đẹp.
Bên cạnh phần lễ trang trọng, linh thiêng, thoát tục là phần hội nôi nức, náo nhiệt. Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, chùa Hương trở thành nơi hội tụ của những trò chơi dân gian độc đáo lưu truyền bao đời như: bơi thuyền, hát chèo, hát văn,… Một trong những hoạt động được yêu thích nhất ở lễ hội là hình thức hát chèo đò và những đoạn văn liên quan đến tích nhà Phật.

Đi trẩy hội chùa Hương du khách không chỉ tham gia vào lễ hội của riêng chùa Hương mà còn có dịp hòa mình vào các hội làng truyền thống của các làng quanh bến Đục, bến Yến khi dừng chân tại đây. Mọi người ai ai cũng nô nức trong tiết xuân ấm áp thanh bình tạo nên một không khí phấn khởi, vui vẻ hơn bao giờ hết.
Đi trẩy hội chùa Hương là dịp con người được trở về với một cõi Phật linh thiêng, được hòa mình vào thiên nhiên sơn thủy hữu tình, được hòa vào dòng người đầy hoan hỷ trong dịp đầu xuân năm mới. Dịp lễ hội là dịp hội tụ của nhiều thế hệ, người trẻ mang theo sự nồng nhiệt, người lớn mang theo sự thành kính,.. Các thế hệ tìm thấy những niềm vui khác nhau ở đây nhưng lại cùng hướng lòng về những sự an bình, hoan hỷ và những điều tốt đẹp nhất.

Có thể nói, đi hội Chùa Hương không chỉ là nét đẹp văn hóa, một lễ hội truyền thống của dân tộc mà còn là dịp tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên bao la, của sông nước sơn thủy hữu tình, khám phá sự huyền bí của các hang động, của núi rừng để thấy đất trời mùa xuân như hòa làm một, con người như bị lạc giữa cõi thực và mơ… Tất cả đem đến sự cân bằng âm dương, sự thanh thản trong tâm hồn cho du khách, là nơi du khách được trút mọi ưu phiền và gửi gắm những niềm tin khát vọng.
Kinh nghiệm du lịch đi lễ hội chùa Hương
Di chuyển đến lễ hội chùa Hương
- Thứ nhất: theo hướng Nguyễn Trãi – Hà Đông, rẽ trái ở ngã ba Ba La đi Vân Đình. Sau đó đi tiếp khoảng 40km đến Tế Tiêu rẽ trái và hỏi đường đi chùa Hương.
- Thứ hai: đi theo hướng quốc lộ 1A Pháp Vân – Cầu Rẽ, rẽ phải ở nút giao Đồng Văn vào quốc lộ 38, chạy tiếp tầm 15km theo hướng chợ Dầu là đến chùa Hương.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể di chuyển bằng xe bus 78 đi Tế Tiêu và đi thêm xe ôm 1 đoạn để vào bến Đục.

Các tuyến hành hương ở Chùa Hương
Khu di tích chùa Hương khá lớn vì vậy để đi hết cũng mất đến 2 ngày, nếu đi trong ngày bạn nên thăm đền Trình, chùa Thiên Trù, và động Hương Tích. Bạn có thể leo núi hoặc với hệ thống cáp treo hiện đại sẽ giúp bạn di chuyển nhanh chóng hơn.

Chùa Hương là một quần thể kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến, có 4 tuyến hành hương để bạn chọn gồm:
- Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.
- Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài.
- Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm.
- Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn.
Lưu ý khi đi lễ hội chùa Hương
- Khi đi đò hãy mua vé ở cổng hội, hoặc trực tiếp vào khu vực Suối Yến liên hệ với các nhà đò quanh bến và thỏa thuận rõ ràng số tiền cũng như số lượng khách tối đa ngồi đò với nhà đò.
- Khi đi lễ hội chùa Hương, bạn chuẩn bị đồ cúng lễ nên gọn gàng đem theo để tiết kiệm thời gian cho lễ hội và chi phí vì mua tại đây giá sẽ cao hơn
- Một số đồ bạn có thể mua làm quà như: vòng tay, vòng cổ, gương lược, chè củ mài, mơ quả, rau sắng… nhưng hãy kiểm tra chất lượng kỹ để tránh dính hàng không tốt và hỏi giá cả cụ thể. Bên cạnh đó còn bán thuốc nam chữa bách bệnh, tuy nhiên các bài thuốc này thường không rõ nguồn gốc và không rõ công dụng nên hãy cẩn trọng khi mua và sử dụng.
- Ăn uống dọc đường vào chùa bạn nên hỏi giá trước khi gọi đồ hoặc vào những hàng quán đề giá công khai để tránh chặt chém.
- Vứt rác đúng nơi quy định.
- Bảo quản đồ dùng của bản thân cẩn thận vì chen lấn đông đúc rất dễ mất
- Vào chùa cần mặc trang phục đứng đắn, lịch sự.
- Không nên cười đùa, nói to, hút thuốc,… để ảnh hưởng tới những người xung quanh.
- Di tích chùa Hương khá lớn vì vậy sẽ di chuyển nhiều nên bạn hãy chuẩn bị những đôi giày thể thao thay thoải mái nhất.
- Không nên mua thịt sống, những hàng thịt phản cảm gần di tích chùa linh thiêng.
Phí tham quan di tích thắng cảnh lễ hội chùa Hương:
- Vé thường: 78.000 đồng/vé
- Vé ưu đãi: 38.000 đồng/vé.
Giá vé cáp treo tại danh thắng chùa Hương
Giá vé khứ hồi:
- Người lớn: 140.000đ/vé
- Trẻ em: 100.000đ/vé
Giá vé một chiều:
- Người lớn: 80.000đ/vé
- Trẻ em: 60.000đ/vé
Lưu ý: Trẻ em cao 1,1m trở xuống được áp dụng mức giá dành cho trẻ em, cao trên 1,1m mức giá vé tính như người lớn.
Trên đây là thông tin về lễ hội chùa hương mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn, nếu bạn đọc thấy hay thì hãy chia sẻ với bạn bè người thân của mình cùng biết để có một hành trình du lịch tâm linh tử đầu năm mới mang lại may mắn nhé!