Trang chủ » Cẩm Nang Du Lịch » Du lịch Huế » Du lịch Huế ăn gì, chơi gì, ngủ ở đâu, đi như thế nào?
đại nội du lịch huế

Du lịch Huế ăn gì, chơi gì, ngủ ở đâu, đi như thế nào?

Du lịch Huế ăn gì, chơi gì, ngủ ở đâu, đi như thế nào?

Thừa Thiên – Huế là một tỉnh ven biển nằm ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị, phía Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía Tây là dãy Trường Sơn và một số tỉnh của CHDCND Lào, phía Đông giáp biển Đông. Huế được biết đến là trung tâm văn hóa lớn nhất Việt Nam với hai di sản thế giới là quần thể di tích cố đô Huế và nhã nhạc cung đình Huế. Đây không chỉ là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị di sản truyền thống mà còn mang nhiều danh thắng, phong cảnh hữu tình cùng nền ẩm thực đa dạng phong phú. Do vậy, phát triền du lịch Huế trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của Việt Nam đang được chú trọng.

Huế từ lâu đã đi vào tâm thức người Việt qua những bài thơ ca với hình ảnh người con gái Huế trong tà áo dài tím mộng mơ, hình ảnh dòng sông Hương thơ mộng hay những âm thanh trong veo của tiếng chuông chùa Thiên Mụ. . . Tất cả làm nên một Huế mà bất kỳ ai cũng khao khát được đặt chân đến cảm nhận và khám phá. Vì vậy, kinhnghiem.dulichcanhdieu.com.vn xây dựng bài viết này nhằm cung cấp thông tin từ A-Z cho bất kỳ ai muốn đi Du lịch Huế, khám phá một miền đất đậm đà các giá trị truyền thống, cổ xưa của dân tộc.

Giao thông du lịch Huế

Thừa Thiên – Huế cách thủ đô Hà Nội 660 km về phía Bắc, cách Thành phố Đà Nẵng 101 km về phía Đông Nam, cách Nha Trang 612 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 1050 km về phía Nam theo đường Quốc lộ 1A.

Để tới được Huế bạn có thể chọn di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa và cả ô tô.

Đối với máy bay

Di chuyển bằng máy bay bạn có thể chọn chuyến bay thẳng từ Hà Nội hoặc TP.HCM vào Huế, hạ cánh tại Sân bay Phú Bài. Hiện nay tất cả các hang máy bay đều khai thác chuyến bay tới Huế và lượt bay mỗi ngày. Di chuyển bằng máy bay rất nhanh chóng và tiết kiệm nhiều thời gian. Ngoài ra có rất nhiều đợt vé máy bay khuyến mãi giá rẻ, bạn có thể săn vé những dịp đó sẽ rất tiết kiệm chi phí

Tàu hỏa

Bạn có thể đi tàu hỏa từ Hà Nội vào Huế hoặc từ TH.HCM ra Huế đều rất thuận lợi. Từ Hà Nội bạn mất khoảng 13 tiếng ngồi tàu sẽ tới Ga Huế. Bạn có thể lựa chọn chuyến đi vào ban đêm. Còn từ TP.HCM thì chủ yếu là tuyến chạy vào ban ngày. Đi tàu tuy mất nhiều thời gian nhưng bạn có thể ngắm cảnh đẹp trên đường.

Xe khách

Đây là phương tiện vừa đơn giản lại rẻ. Bạn có thể bắt xe ở các bến xe của Hà Nội như: Bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát,.. Tuy nhiên, bạn sẽ phải tốn khoảng thời gian là 1 ngày để di chuyển từ Hà Nội vào Huế và gần 2 ngày nếu di chuyển từ TP.HCM.

Phương tiện di chuyển tại Huế

Xe đạp thồ, xe ôm
Tới đây bạn có thể lựa chọn các phương tiện bình dân như xe đạp thồ, hay xe ôm. Với giá rất rẻ, 1000 vnđ/1km. Bạn yên tâm người Huế rất hiền lành chất phác nên sẽ đưa bạn tới nơi tới chốn. Họ thường tập trung ở các bến xe An Cựu, Ðông Ba, ga tàu, các tụ điểm thương mại,..

Xe xích lô
Xe xích lô là một phương tiện khá đặc trưng và gần gũi cũng như phổ biến nhất tại Huế. Đây cũng là phương tiện được du khách yêu thích nhất. Xích lô ở Huế tiện lợi vì rộng và mui cao, khi cần có thể chở hàng hoá hoặc có thể bật mui lên để chở khách một cách lịch sự và an toàn. Sử dụng phương tiện xích lô, khách có thể thư thả đi dạo quanh thành phố cổ kính, các con đường xanh mát bên dòng sông Hương thơ mộng,..

Thuyền rồng:

Hiện nay thuyền rồng đưa du khách du ngoại trên sông đã trở thành một phương tiện du lịch rất phổ biến của Huế.

Tất cả các loại thuyền đều được đóng theo kiểu đầu rồng và sơn son phết lộng lẫy hai bên mạn thuyền. Thuyền có hai loại, thuyền đơn chở được khoảng 20 người, thuyền đôi là 40 người. Bạn có thể ngồi thuyền, lênh đênh trên sông nước, thưởng thức ca Huế và thả hoa đăng vừa là một trải nghiệm thú vị và cũng là dịp cảm nhận bản sắc của Huế. Muốn thuê thuyền để đi trên sông Hương có thể liên hệ: Trung tâm quản lý Ca Huế: 15 Lê Lợi, Huế
Ban quản lý bến thuyền ở Hương Giang, Khách sạn Century, 5 Lê Lợi hoặc các số ÐT: 846744 – 846743 – 828853.

Hiện nay, du lịch bằng thuyền rồng trên sông Hương có các tuyến sau:

– Huế – Linh Mụ: 80.000 đ/1 chuyến/1 thuyền đơn ( 160.000đ/ 1 thuyền đôi)

– Huế – Ðiện Hòn Chén : 100.000 đ/ 1 chuyến/ 1thuyền đơn (200.000đ/ 1 thuyền đôi)

– Huế – Lăng Minh Mạng: 135.000đ/1 chuyến/ 1 thuyền đơn ( 270.000đ/ 1 chuyến/ 1thuyền đôi)

– Huế – Bao Vinh: 50.000 đ/ 1h/ 1 thuyền đơn

Nếu bạn muốn nghe ca Huế thì phải thuê riêng: 270.000đ/ 1 xuất ( trong 1h30 phút cho đoàn dưới 20 người); 370.000đ/ 1 xuất (trong 1h30 phút cho đoàn dưới 60 người).

Xe máy, xe đạp thuê

Tới Huế bạn cũng có thể hoàn toàn tự thuê xe để đi du ngoại khắp nơi, vừa tự do lại có thể chủ động về mặt thời gian. Các địa điểm cho thuê xe máy nằm tập trung ở đường Hùng Vương, quãng đường từ cầu Trường Tiền đến ngã 4 Hùng Vương giao với Nguyễn Tri Phương ( gần quán chè Hẻm nổi tiếng ). Khu vực thứ 2 là đường Lê Lợi, khu phố Tây đối diện khách sạn Hương Giang, các đường như Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An đều có cho thuê xe máy. Với giá 100.000-200.000 vnđ/xe/ngày

Xe bus
Để tiết kiệm chi phí và thử một trải nghiệm mới mẻ bạn có thể chọn xe bus làm phương tiện di chuyển. Các tuyến xe bus hoạt động trong địa bàn Tp.Huế có 5 tuyến chính:
Bến xe phía Nam đi bến xe phía Bắc và ngược lại
Ngã ba QL49, An Cựu – Bà Triệu – Trường Trung học Lý Thường Kiệt – Ngân Hàng Công Thương – Nhà trẻ Hoa Mai – Liên đoàn lao động Tỉnh – BV Trường ĐH Y Khoa – Bến Ngự – Bùng Binh 05 Lê Lợi – Trường Quốc Học – BV TW Huế – Thương Bạc – Đông Ba – Cửa Ngăn – Cửa Quảng Đức – Cửa Nhà Đồ – Bạch Hổ – Cửa Hữu – Cửa Chánh Tây – An Hòa – bến xe phía Bắc

Tuyến số 2 Bến xe phía Nam đi chợ Phú Bài và ngược lại
Cống Bạc – Dệt Thủy Dương – Chợ Dạ Lê – Ngã ba Phú Hồ – Chợ Thần Phù – Chợ Mai – Cây xăng 15 – Chợ TT Phú Bài – Ngã ba Phú Thứ – Ngã ba sân bay Phú Bài – khu CN Phú Bài – Ngã ba đường tránh – Chợ Phú Bài.

Bến xe phía Nam đi Đông Ba – Thuận An và ngược lại
Ngã ba QL49, An Cựu – 15B Hà Nội – In Thống Kê – Thương Bạc – Đông Ba – TT Festival – Tòa Khâm – KS Công đoàn – Chợ Vỹ Dạ – Nhà máy bia Huda – Chợ Mai – Trường TH Phan Ddăng Lưu – nước nóng Mỹ An – Chợ Tân An – KS Hương Vỹ – Trường THPT Thuận An – Cảng Thuận An – Chợ Thuận An

Bến xe phía Nam đi Đông Ba – An Lỗ và ngược lại
Ngã ba QL49, An Cựu – 15B Hà Nội – In Thống Kê – Thương Bạc – Đông Ba – Cửa Ngăn – Cửa Quảng Đức – Cửa Nhà Đồ – Bạch Hổ – Cửa Hữu – Cửa Chánh Tây – An Hòa – Bến xe phía Bắc – Triệu Sơn – Gạch Tuy nen – Hương Xuân – Ga Văn Xá – Hương Văn – Chợ Tứ Hạ – Bưu Điện Tứ Hạ – Trường TH Tứ Hạ – Phú Ốc – An Lỗ.

Bến xe phía Nam đi Đông Ba – Chợ Tuần và ngược lại
Ngã ba QL49, An Cựu – 15B Hà Nội – In Thống Kê – Thương Bạc – Đông Ba – BV TW Huế – Trường Quốc Học – Ga Huế – Chùa Bảo Quốc – Chùa Từ Đàm – Doanh trại Biên Phòng – Đàn Nam Giao – Cầu Lim – Ngã ba Cư Chánh – Thiên An – UBND Xã Thủy Bằng – Lăng Khải Định – Chợ Tuần.

Taxi

Gồm có:
Taxi Mai Linh
Địa chỉ: 177 Phan Đình Phùng, TP Huế

Điện thoại: 054.3898989 – 054.3824747

Taxi ThànhĐô
Địa chỉ: 333B An Dương Vương
Điện thoại: 054.3858585

Taxi GILI
Địa chỉ: 28b Nguyễn Huệ
Điện thoại: 054.3828282

Taxi Thành Lợi
Địa chỉ: Đường Trần Hưng Đạo
Điện thoại: 054.3845845

Taxi Thừa Thiên Huế
Điện thoại: 054.3818181

Bản đồ du lịch Huế

bản đồ du lịch huế

Thời điểm thích hợp nhất du lịch Huế

Tháng 1 đến tháng 4 là thời điểm khô mát nhất trong năm ở miền Trung với nhiệt độ trung bình khoảng 21 – 30 độ C. Tháng 5 đến tháng 9, trời nắng nóng và ẩm hơn, thỉnh thoảng có bão. Nên tránh đến Huế trong khoảng từ, 1  tháng 10, 11,12 vì thời điểm này là mùa mưa bão tại các tỉnh miền Trung nói chung và Huế nói riêng. Mưa ở Huế dai dẳng, có thể cả ngày, thậm chí cả tuần. Thường đến thời điểm Tết Nguyên đán, Huế mới bớt mưa. Nơi đây, mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, trời nóng nực oi bức, nhiệt độ có khi lên tới 35-40 độ C. Mùa xuân kéo dài từ tháng 1 đến cuối tháng 2. Do vậy thời điểm thích hợp nhất đi Huế là từ tháng 2 đến tháng 8, trong đó tháng 4 là lúc thời tiết ở Huế đẹp nhất. Từ tháng 5 đến tháng 8 dù có chút nắng nóng nhưng cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động vui chơi của bản. Và đặc biệt tắm biển mùa này rất phù hợp cũng như ngắm cảnh với trời xanh mây trắng. Ngoài ra thời điểm diễn ra Festival Huế cũng là một thời điểm bạn nên cân nhắc. Vì vào dịp này bạn không những bạn biết thêm được 1 Huế thơ mộng, mà sẽ còn tìm hiểu, khám phá được những nét văn hóa đẵc thù nơi đây mà qua sách báo, tranh ảnh cũng không thể cảm nhận được tất cả.

Lễ hội Du lịch Huế

Lễ hội đua ghe truyền thống

Lễ hội được tổ chức hằng năm tại Phú Lễ, Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế. Ngôi làng Phú lễ xưa nay nổi tiếng với nghề làm nón nhưng tới ngày hội thì cả làng gác lại công việc đổ ra sông Bồ chảy qua làng tham gia lễ hội. Lễ hội nhằm cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng yên ấm..tất cả đều mang tính cộng đồng cao.

Buổi lễ có 2 phần: lễ và hội. Lễ diễn ra với nghi thức và không khí trang nghiêm thành kính báo cáo thành Hoàng làng về chứng giám ngày hội. Sau đó là cuộc đua ghe quyết liệt diễn ra với nhiều bạn ghe về tham dự. Ngoài ghe của những làng quanh vùng như Hạ Lang, Bác Vọng, Bao La, Niêm Phò, Khuôn Phò, Thủ Lễ, Phước Lý, Phước Lập, An Xuân, Hương Cần, Vân Cù, La Vân Thượng, La Vân Hạ… còn có cả những làng xa như Dạ Lê, Lang Xá Cồn, Xuân Hòa… Giành được giải thưởng ở lễ hội đua này luôn là một vinh dự lớn, làm tăng uy tín cho các hội ghe làng đó.

Lễ hội Cầu Ngư

Đây là lễ hội của nhân dân làng Thái Dương hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lễ hội được tổ chức từ mùng 10 đến 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hoá có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành. Theo truyền thống cứ 3 năm một lần dân làng lại tổ chức đại lễ linh đình và long trọng nhất. Vào ngày mùng 10 thường có ăn cơm chung giữa các xóm và tổ chức các trò chơi như: “bủa lưới”, thi bơi, chèo thuyền thúng, kéo dây, nhảy bao bố, nấu cơm thi… Ban đêm làng mời các đoàn hát bội, ca Huế về diễn miễn phí. Ngày 11, từ 5 giờ sáng bắt đầu cúng tế ở đình làng và am miếu. Ngày 12 làm lễ chính cầu an, tưởng niệm các vị tiền nhân tại đình làng và đua trải trên phá Tam Giang. Sau đó, khai hội diễn trò “cầu ngư” ngay trước sân đình, gồm các tiết mục như đẩy thuyền ra khơi, câu cá, bủa lưới, mua bán thủy, hải sản…

Đến nay, lễ hội cầu ngư tháng Giêng ở làng Thuận An (Thừa Thiên Huế) đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh, được gìn giữ và tổ chức hàng năm rất trang nghiêm, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước.

Hội vật Làng Sình

Lễ hội được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, diễn ra tại khu vực đình làng Lại Ân (còn gọi là làng Sình), xã Phú Mậu, huyện Phú Vang-Thừa Thiên-Huế) để cầu sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu, cũng là dịp để giải trí ngày đầu Xuân và khuyến khích thanh niên rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm.

Ngoài yếu tố tâm linh truyền thống, lễ hội còn là một hoạt động vui, khoẻ đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí. Trong lễ hội đề cao tinh thần đồng đội và thượng võ, không đặt nặng thắng thua, không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng và tất cả các đô vật lên sới đều được nhận phần thưởng.

Ngoài ra ở Thừa Thiên-Huế còn rất nhiều các lễ hội đặc sắc khác như:  Lể giỗ tổ nghề kim hoàn (ngày 7 và 27 tháng 2 âm lịch), Lễ hội truyền thống ngành ca nhạc Huế (ngày 16 tháng 3 và 16 tháng 10 âm lịch), Lễ tế Tổ Nghề thêu (ngày 12 tháng 1 và ngày 4 tháng 6 âm lịch), Lễ tế giỗ tổ Ngành Tuồng (giữa tháng 3 và tháng 7 âm lịch), Lễ cúng âm hồn (ngày 23 đến 30 tháng 5 âm lịch)

Bên cạnh các lễ hội truyền thống mang tính tâm linh thì ở Huế còn diễn ra nhiều hội mang tính giải trí và tôn vinh bản sắc văn hóa thu hút du lịch như:
Festival Huế: diễn ra 2 năm 1 lần, vào ngày12  đầu quý II. Festival Huế là một sự kiện văn hóa với nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc: đên Hoàng cung, lễ hội áo dài, lễ hội thả diều, lễ hội ẩm thực, cờ người, bắn pháo hoa,.. Bên cạnh đó còn phục dựng tái hiện lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, hội thi tiến sĩ võ và trưng bày nhiều ngành thủ công truyền thống tại Huế.
Hội Đua Thuyền: 26 tháng 3 và ngày 2 tháng 9 dương lịch.
Hội Hoa Đăng: ngày 15 tháng 4 âm lịch.
Hội thi thả diều: 26 tháng 3 hoặc hè.

Những địa điểm nổi bật Du lịch Huế

Chùa Thiên Mụ

chùa thiên mụ du lịch huế

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”

Cùng với sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền…chùa Thiên Mụ là một trong những danh thắng từ lâu đã đi vào vầng thơ câu hát gắn bó bao đời trong tâm thức người Việt. Đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất cố đô Huế, là một phần không thể thiếu của đất Huế. Chùa Thiên Mụ (còn có tên khác là chùa Linh Mụ) nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km, trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, xã Hương Long, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa Thiên Mụ khởi xây năm 1601 trên đồi Hà Khê phía tả ngạn sông Hương. Cho tới nay, công trình này vẫn giữ được vẻ uy nghi, thanh tịnh và nét cổ kính vốn có. Điểm nhấn trong hành trình tham quan là tháp Từ Nhân (sau được đổi tên thành tháp Phước Duyên). Đây là ngôi tháp do vua Thiệu Trị xây dựng, cao 21 m với 7 tầng uy nghi ngay trước cửa chùa. Chùa Thiên Mụ với kiến trúc tôn giáo cổ độc đáo và có thắng cảnh vô cùng hữu tình thỏa mãn nhu cầu tâm linh lẫn vãn cảnh của bất kỳ ai đặt chân tới đây.  Không chỉ vậy chùa còn nổi tiếng với 108 tiếng chuông ngày ngày giữ nhịp thời gian, mang theo từ bi gửi gắm đến chúng sinh, giải tỏa mọi muộn phiền đau khổ. Đến với chùa Thiên Mụ, du khách sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên nhiên, trước công trình đời xưa để lại với ngọn tháp hùng vĩ đứng soi mình trên dòng Hương Giang duyên dáng. Khuôn viên chùa được chia thành hai khu vực, khu vực trước cửa Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc như: bến thuyền đúc bê tông có 24 bậc tam cấp lên xuống, cổng tam quan là bốn trụ biểu xây xát đường cái, từ cổng tam quan bước lên 15 bậc tam cấp là đình Hương Nguyện, sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên xây bằng gạch vồ bảy tầng cao vời vợi, hai bên đình có hai lầu bia hình tứ giác, lui về phía trong có hai lầu hình lục giác một lầu để bia và một lầu để chuông. Tất cả tạo nên một địa điểm không thể bỏ qua với mỗi du khách khi tới Huế.

Chùa Huyền Không Sơn Thượng 

huyền không sơn thương du lịch huế

Cách cố đô Huế chừng hơn 10km về hướng Tây, thuộc thôn Đồng Chầm, xã Hương Hồ, huyền Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Để tới Huyền Không Sơn Thượng du khách đi qua chùa Thiên Mụ, theo con đường dọc sông Hương, qua Văn Thánh, Võ Thánh, qua cầu Xước Dũ, rồi đi khoảng hơn 1km nữa rồi rẽ phải vào thôn Đồng Chầm. Từ đây, đi tiếp chừng 500m, đường này sẽ cắt ngang đường chính Huế, thẳng trước mặt sẽ thấy một cổng làng Văn hóa thôn Đồng Chầm. Qua cổng làng chừng 200m. Theo lộ trình này gần 3km nữa là đến Huyền Không Sơn Thượng. Chùa nằm giữa lưng chừng đồi, cách biệt với thế giới bên ngoài, dù vậy đường vào chùa nay đã được cải tạo, nâng cấp khá thuận lợi.

Ngày khi du khách đặt chân tới cổng chùa sẽ thấy khung cảnh vô cũng hoang sơ, càng đi vào trong càng cảm nhận được nét giản dị mộc mạc ấy. Tạo ra một không gian linh thiêng giữa núi đồi hoang sơ, là nơi vô cùng yên ả để tĩnh tâm nơi cửa Phật. Sau một chặng đường khi tới được đây chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng bởi giữa một cố đô phồn hoa lại tồn tại một nơi bình yên thoát tục như vậy.

Đại Nội Huế

đại nội du lịch huế

Là nơi sinh hoạt của 13 đời vua nhà Nguyễn trong khoảng 140 năm, từ đời vua Gia Long đến vua Bảo Đại. Với diện tích hơn 500ha, bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Đây là khu di tích có giá trị nhấ trong quần thể di tích Cố Đô Huế được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993. Giá vé tham quan Đại Nội là 55.000 vnđ/1 người, nếu bạn đi đoàn lớn thì có thể thuê người hướng dẫn và thuyết minh về lịch sử nhà Nguyễn với giá 100.000 vnđ/1 tour. Đại Nội khá lớn do vậy để đi được hết bạn nên thuê xe điện với giá 12.000 đ/xe 4 chỗ. 150.000đ/ xe 6 chỗ. Trong khi thăm Đại Nội bạn có thể dừng chân tại Nam Châu Hội Quán thưởng thức các món ăn hoàng cung thời xưa.

Lăng tẩm

Tại Việt Nam, Huế là nơi duy nhất còn nguyên vẹn các khu lăng tẩm của các vị vua, mỗi lăng là một kiến trúc khác biệt thể hiện tính cách của mỗi vị vua khác nhau.

Lăng Khải Định

Lăng Khải Định hay còn được gọi là Ứng Lăng, là lăng của vua Khải Định vị vua thứ 12 của triều Nguyễn. Đây là công trình có lối kiến trúc độc đáo, tinh tế pha trộn giữa nét hiện đại của Châu Âu và nét cố điển của Việt Nam.

Lăng Tự Đức

Được đặt trong một thung lũng nhỏ của làng Dương Xuân Thượng (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân thành phố Huế) nằm giữa một rừng thông bát ngát. Bên trong lăng là không gian của hội họa, thi ca và triết học. Đây là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn thể hiệ sự uy nghiêm cũng như tri thức uyên bác của một nhà vua trong lịch sử. Lăng nằm cách trung tâm Huế khoảng 8km, giá vé tham quan 55.000đ/khách

Ngoài ra còn các lăng khác như: lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh… mang kiến trúc đa dạng và đẹp mắt mà du khách có thể lựa chọn ghé qua.

Sông Hương

Sông Hương như một dải lụa hiền hòa đưa du khách xuôi dòng đến với miệt vườn Vỹ Dạ có vườn rau thảm cỏ xanh mướt như trong những vầng thơ của Hàn Mặc Tử từng miêu tả. Sông Hương mang một vẻ đẹp dịu dàng như người con gái Huế làm say long bất cứ du khách nào tới đây. Không chỉ ban ngày với dòng nước xanh mát mà khi đên xuống dòng sông cũng có một vẻ đẹp rất riêng với ánh đèn hắt xuống từ cây cầu Trường Tiền. Một thú vui mà du khách không nên bỏ lỡ là đi thuyền trên sông Hương. Vào ban ngày bạn đi thuyền có thể ngắm nhìn cảnh đẹp hai bên dòng sông, thưởng thức món bánh ướt thịt nướng nổi tiếng của Kim Lân, thăm chùa Thiên Mụ, điện Hòa Chén. Còn khi bạn đên xuống, ngồi trên thuyền Rồng ngắm nhìn Huế yên bình tĩnh lặng, thưởng thức ánh trăng thơ mộng và nghe ca Huế là một trải nghiệm vô cùng tao nhã, thú vị.

Vườn quốc gia Bạch Mã

vườn quốc gia bạch mã du lịch huế

Vườn Quốc gia Bạch Mã cách thành phố Huế khoảng 40 km. Từ trung tâm thành phố Huế tới Bạch Mã bạn mất hơn 1 giờ chạy xe. Đây là điểm du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên Huế, Bạch Mã có rất nhiều nơi để tham quan như: Thác Đỗ Quyên, Ngũ Hồ, Vọng Hải Đài với vẻ đẹp của núi trời như một bức tranh thủy mặc. Bạch Mã có tài nguyên đa dạng sinh học rất lớn, bao gồm loài động – thực vật quý hiếm. Từ cổng rừng quốc gia lên đỉnh Bạch Mã phải đi xe ô tô với quãng đường dài 16 km. Nếu thuê ô tô lên từ đây giá khoảng 900.000 đồng/ xe. Đường lên đỉnh Bạch Mã khá quanh co và dốc. Càng lên cao, khung cảnh núi rừng hiện ra càng đẹp. Xe chạy tầm 45 phút sẽ tới điểm Ngũ Hồ, là tập hợp gồm 5 hồ nước ở 5 điểm cao khác nhau. Hồ thứ 3 trong ngũ hồ được cho là đẹp nhất bởi nước suối rất trong và mát đậu xe gần Vọng Hải Đài. Vọng Hải Đài là điểm cao nhất ở Bạch Mã. Từ đây có thể nhìn được vịnh Lăng Cô, Hồ Truồi, đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai… Vào tháng 3 bạn còn có thể ngắm nhìn hoa đỗ quyên nở khắp núi rừng và tận hưởng cảm giác thư thái hòa mình vào thiên nhiên nơi đây. Và tới đây bạn cũng có thể ghé thăm thiền viện Trúc Lâm trên núi Bạch Mã để tìm lại sự thư thái và an nhiên trong tâm hồn.

Bãi biển Thuận An

biển thuận an du lịch huế

Biển Thuân An cách kinh thành Huế về hướng Đông khoảng 13 km. Từ trung tâm thành phố đi tới đây mất khoảng 30 phút . Biển Thuận An là nơi sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi chảy ra biển Đông. Huế là nơi có thời tiết khá nóng bức vào mùa hè, vì vậy khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 là khoảng thời gian bãi biển thu hút nhiều khách nhất. Bãi biển xanh ngắt, trải dài 12 km cát trắng, được coi là một bãi biển đẹp nhất Huế. Tới đây, ngoài việc được thỏa sức thả mình trong làn nước trong xanh, mát dịu, cát trắng mịn du khách đến đây còn có thể thuê lều trại, ở hoang dã ngay trên bãi biển để đêm đến đi dạo dọc bờ biển ngắm nhìn không gian bình yên của biển. Ngoài ra, bình minh trên biển Thuận An cũng là cảnh vô cùng đẹp, khi đó mặt trời lên và thuyền chài của ngư dân cập bến. Tới đây bạn có thể thuê lều trại ở ngay trên biển và thưởng thức hải sản tươi ngon của người dân bán bên bờ.

Bãi biển Cảnh Dương

Bãi biển Cảnh Dương nằm tại cảng Chân Mây, thuộc xã Lộc Vĩnh, cách TP.Huế khoẳng 70 km. Bãi biển với cát trắng mịn và những hang phi lao rợp bóng tạo nên một khung cảnh làm say đắm những ai đặt chân tới đây. Bãi biển hoang sơ, không khí trong lành cùng những cơn sóng nhẹ nhàng xua đi mọi mệt mỏi oi bức của mùa hè. Bên cạnh đó hải sản ở đây cũng rất tươi ngon và đa dạng.

 Vịnh  biển Lăng Cô

lăng cô du lịch huế

Nằm cách thành phố Huế 70 km và thành phố Đà Nẵng 20km. Vịnh biển Lăng Cô hiền hòa, nguyên sơ với một dải cát trắng mịn, mặt nước biển xanh trong, được bình chọn là vịnh đẹp nhất thế giới. Vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, không khí nơi đây rất dễ chịu và dịu mát. Mùa hè, Lăng Cô là thiên đường tránh nắng, nhiệt độ ôn hòa ở mức 25-26 độ. Vào những ngày cuối thu, Lăng Cô đắm chìm trong làn sương mờ ảo.

Du khách đến với Lăng Cô sẽ thích thú Với bãi cát trắng  và những dãy cồn cát tuyệt đẹp dưới những tán cây xanh mướt trải dài hơn 10 km, cùng làn nước biển trong xanh cùng các trò vui như câu cá, lặn biển. Tại đây cũng có rất nhiều món ăn cho bạn lựa chọn như: bánh canh chả cua, bún riêu càng cua hay sò huyết Lăng Cô.

Đầm Lập An

Cách Huế khoảng 70 km về phía Nam, nằm dưới chân đèo Hải Vân, gần vịnh Lăng Cô. Điều làm nên vẻ đẹp của đầm Lập An là dãy núi Bạch Mã uốn lượn hùng vĩ bao quanh hồ nước xanh tựa ngọc.  Đầm Lập An đẹp nhất vào những buổi chiều tà khi những dải nắng xuyên qua mây và mặt trời lặn phía cuối hồ tạo nên một cảnh thượng vô cùng nên thơ choáng ngợp. Hơn thế, ở đây cò có một loài thủy sản được mệnh danh là “đặc sản”, “ngọc của trời”… đó là hàu. Không biết từ bao giờ, người dân nơi đây đã biết tận dụng lốp cao su hỏng để bắt hàu.. Hàu ở Lập An nổi tiếng thơm ngon béo ngậy và có thể chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn.

Phá Tam Giang

phá tam giang du lịch huế

Phá Tam Giang ngay gần biển Thuận An, thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Phá Tam Giang có chiều dài 24km, diện tích 52km2, là đầm nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Để tới phá Tam Gian bạn đi thuyền từ của biển Thuân An. Thuyền sẽ trôi nhẹ qua hơn 15km chạy dọc theo con đầm phá đến với làng chái Thái Dương Hạ. Làng chài Thái Dương Hạ đã có hàng mấy trăm năm. Tới đây du khách sẽ  đổ gục trước khung cảnh bình yên hoang sơ, vắng lặng của ngôi làng với những hàng rào giăng lưới, những dặng phi lao và ngạc nhiên khi đứng trước “thành phố lăng”, nơi “cư ngụ” của người cõi âm trong làng, được xây cất như một ngôi biệt thự tí hon. Trong làng cũng có các dịch vụ thú vị như: may quần áo, đại lý bia Huda – Huế, đại lý điện thoại di động của các hãng, cho đến đại lý vé máy bay…Phá Tam Giang đẹp nhất khi hoàng hôn buông xuống, nếu có dịp tới đây bạn đừng bỏ lỡ dịp ngắm nhìn hoàng hôn trên phá. 16h00 đến 17h30 là thời điểm ngắm hoàng hôn tuyệt nhất.

Khi đến đây đầm Chuồn cũng là một nơi để trải nghiệm. Tại đây bạn sẽ được chứng kiến ngư dân trao đổi, mua bán tôm cá ngay trên con thuyền giữa phá và thưởng thức bữa sáng với các món đặc sản dân dã trong vùng như bánh xèo với tôm, cá kình…

Tuy nhiên, nếu có kế hoạch đi Huế, bạn nên tránh tháng 10, 11 và 12 vì đây là mùa bão tại các tỉnh miền Trung.

Ẩm thực du lịch Huế

ẩm thực du lịch huế

Ảnh: bản đồ ẩm thực Huế

Cơm hến, bún hến

cơm hến du lịch huế

Cơm hến là món ăn được nhắc nhiều ở đất cố đô. Hến ở Huế không to nhưng thơm ngọt và béo ngậy. Một bát cơm hến hay bún hến gồm hến xào, hoa chuối xắt mỏng, rau thơm ăn kèm, đậu phộng, da heo chiên giòn và nước luộc hến bốc khói nghi ngút tỏa mùi thơm thanh ngọt. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên nét đặc trưng của ẩm thực Huế. Cơm hến, bún hến là một món ăn dân dã của đất cố đô. Món ăn này hiện diện khắp nơi trên đất Huế nhưng nổi tiếng nhất là cơm hến ở cồn Hến cách trung tâm TP Huế chừng 3km hay “phố ẩm thực” như Mai Thúc Loan, Nguyễn Sinh Cung, đường Trương Định, Chợ Đông Ba, Bến Ngự, Nam Giao… với giá chỉ 15.000-25.000 đồng một phần.

Bún bò Huế

bún bò du lịch huế

Nét đặc trưng của bún bò Huế là những sợi bún to, tròn, dai, trắng muốt. Nước dung được làm từ giò heo ninh nhừ và có màu đỏ đặc trưng của mắm ruốc. Một bát bún bò Huế bao gồm bún, phía trên bày thêm thịt bắp bò, chả Huế và miếng giò heo, chan với nước dùng bốc khói nghi ngút tỏa mùi thơm ngậy. Khi ăn, bên cạnh đĩa chanh, ớt, rổ rau sống gồm rau thơm, giá và bắp chuối thái nhỏ thì món bún bò Huế không thể thiếu hành muối vừa tới vẫn còn vị cay ăn cùng chân giò béo ngậy mà không ngán. Một số quán bún bò Huế tại thành phố sông Hương mà khách du lịch thể ghé qua nằm trên đường Bạch Đằng, Lê Duẩn, Nguyễn Du, Nguyễn Sinh Cung, Thương Bạc, Lý Thường Kiệt…

Bánh bèo

Nguyên liệu làm bánh chỉ là gạo xay thành bột mịn, đem trộn với nước, chờ vài phút để có độ dẻo vừa phải, sau đó múc vào từng chén nhỏ, xếp vào vỉ đem hấp chín bằng hơi. Khi bánh chín, cho thêm gia vị như: tôm giã thật nhỏ, một ít dầu béo thực vật rưới lên chén bánh trước khi ăn. Nước chấm bánh bèo được nấu từ tôm tươi nên vừa có vị ngọt, vừa béo. Chỉ đơn giản vậy thôi mà làm nên một món ăn đậm chất Huế và khiến nhiều người yêu thích.

Bánh ướt thịt nướng

Bao gồm phần vỏ bánh và nhân bánh. Vỏ bánh ướt làm từ bột gạo pha bột lọc, tráng mỏng. Thịt nướng là thịt heo ba chỉ thái mỏng, ướp tiêu, hành, nước mắm, ngũ vị hương, mè sau vài giờ đem nướng trên bếp than cho đến khi đủ độ chín, dậy mùi thơm. Khi ăn lấy thịt nướng cuốn với rau thơm, giá, xà lách làm nhân và cuốn bánh ướt bên ngoài chấm với loại nước chấm hết sức đặc biệt. Tất cả hòa quyện nên một món ăn thơm ngon, không ngấy, giòn dẻo tạo nên sức hút rất lớn với bất cứ ai là tín đồ của ẩm thực.

Bánh khoái

Bánh khoái được làm từ bột gạo xay đánh sệt với nước và lòng đỏ trứng, nhân bao gồm: tiêu, hành, mắm, muối, tôm bóc vỏ, thịt bò nướng thái lát, mỡ thái lát nhỏ, giá sống. Khi nào có người ăn, người ta mới bắc khuôn lên lò đổ bánh. Múc một muôi bột trứng đổ vào khuôn nóng đã tráng mỡ, bột chín vàng rơm thì gắp một miếng thịt bò nướng, lát mỡ nhỏ, một vài con tôm, ít giá bỏ vào một nửa phần bánh, dùng đũa lật phần bánh còn lại úp lên thành hình bán nguyệt lật bánh cho vàng đều hai bên, xong bày ra đĩa. Bánh ngon một phần nhờ nước lèo, được chế biến rất cầu kỳ với hàng chục nguyên liệu khác nhau tạo nên một hương vị rất khó quên.

Bánh ram ít

bánh ram du lịch huế

Đây là món ăn thú vị được kết hợp từ bánh ram và bánh ít. Hai món bánh được làm từ các nguyên liệu cơ bản như gạo nếp, bột đậu xanh và bột tôm. Bánh ít thì cho vào hấp chín, bánh ram thì đem chiên vàng. Khi ăn, chỉ cần kẹp hai loại bánh này lại với nhau là bạn đã có thể thưởng thức trọn vẹn cái giòn rụm của bánh ram kết hợp với cái mềm dẻo của bánh ít rất ngon miệng. Bánh ram ít có giá 10.000-20.000 đồng được bán nhiều ở đường Chi Lăng, Nguyễn Huệ, chợ Đông Ba…

Tôm chua

Những con tôm nước lợ tươi được ngắt đầu, rửa sạch, ngâm một lát trong rượu. Sau đó vớt ra để ráo, trộn đều với các thứ phụ gia: riềng, tỏi, ớt đỏ, măng non, xôi nếp, nước mắm ngon. Sau đó đen ủ từ 7-10 ngày, có thể chôn xuống đất để giữ nhiệt độ ổn định cho quá trình lên men. Tôm chua ngon là có màu đỏ hồng và thịt thơm ngọt. Khi thưởng thức tôm chua kẹp với thịt heo phay (ba chỉ) thái mỏng và dưa giá. Ngoài ra kẹp thêm chuối chát, khế chua thái mỏng cùng rau quế, ớt tươi.

Huế là thiên đường của đồ ăn vặt, do vậy còn vô vàn loại bánh vô cùng ngon và lạ khác như: bánh in, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh xu xê, bánh ướt nhân tôm, bánh ướt nhân thịt…

Ngoài ra, Huế còn nổi tiếng là đất của các món chè Huế thơm ngọt mát lành quyến rũ bất cứ ai vào mùa hè nóng bức.

Chè bột lọc heo quay

Một trong số những món ngon độc đáo của xứ Huế là chè bột lọc thịt heo quay. Thành phần của món này gồm bột lọc, thịt heo quay, gừng, đường và muối. Thịt quay xào trước cùng đường và gừng. Bột lọc nhồi nhuyễn mịn, bắt thành từng miếng nhỏ rồi cho thịt heo đã cắt miếng vuông vào trong, sau đó mới đem luộc trong nước đường trắng. Khi ăn, người làm sẽ múc chừng vài viên ra chén rồi chan nước luộc lên trên. Món này ăn nóng hoặc lạnh đều ngon. Món này được bán nhiều tại Chè Hẻm trên đường Hùng Vương, chè Sao ở đường Phan Bội Châu, chè Trương Định… Nhưng món ăn này không phải ai cũng phù hợp khẩu vị đâu. Nhưng đến đây bạn cũng nên thử cho biết.

Chè long nhãn

chè hat sen du lịch huế

Món ăn bao gồm hạt sen tươi bóc vỏ, tách phần đắng ở giữa rồi hấp chín. Nhãn lồng bỏ vỏ, hạt lồng hạt sen vào giữa. Đường phèn đun lửa nhỏ tới khi tan thì cho hạt sen đã lồng nhãn vào. Quá trình đun phải thật khéo léo để cơm nhãn giữ được độ giòn mà hạt sen không bị bở. Sự kết hợp giữa vị thanh mát của nhãn và mềm bởi hạt sen khiến món này luôn là thứ chè được ưa chuộng nhất trong các loại chè ở Huế.

Chè bắp

Tại Huế có khu Cồn Hến trồng bắp ngọt quanh năm cung cấp cho Huế nguồn nguyên liệu tạo ra món chè thơm ngon thanh khiết.  Để có bát chè ngon, người làm phải thái mỏng bắp cho vào nồi nước đun sôi. Khi chín mới thêm đường kính vào và khuấy đều sau đó thêm chút nước cốt dừa trắng vừa tạo hương vị và màu sắc cho món chè bắp. Các hàng chè bắp tập trung chủ yếu ở khu vực chân cầu Tràng Tiền, đường Chi Lăng, Thượng Tứ, Thượng Bạc, hẻm Hùng Vương, trước cửa nhà văn hóa Huế và rạp Hưng Đạo. Giá mỗi ly dao động từ 5.000 đến 10.000 đồng.

Bên cạnh đó Huế còn có tới hàng chục loại chè khác nhau, mỗi loại chè có một hương vị đặc biệt riêng. Có những loại cầu kỳ như chè hạt sen, chè nhãn bọc hạt sen, chè hạt lựu, chè thịt quay, chè môn sáp vàng, chè bông cau… Một số chè bình dân như: chè bắp, chè trôi nước, chè kê, chè khoai sọ, chè đậu ván, chè bột lọc, chè đậu xanh, chè đậu đỏ, chè thập cẩm, chè khoai môn, chè khoai mài, chè hột é…

Không chỉ có các đồ ăn vặt mà ở Huế còn có các loại kẹo đặc trưng mà bạn có thể mua về làm quà như: kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo đậu phụng, kẹo Mè xửng.. Trong đó Mè xửng là thứ kẹo ngon và quen thuộc nhất, một đặc sản của Huế. Kẹo có vị ngọt dẻo, được làm từ mạch nha pha trộn lẫn với đậu phụng, có mè bao phủ, được cắt từng miếng vuông nhỏ gói trong hộp.

Nghỉ ngơi khi du lịch Huế

Khách sạn 5 sao và resort: từ 2,5-4 triệu vnđ/1 ngày

Imperial: 08 Hùng Vương Huế; Tel; 054 3882222
Celadon Palace: 105A Hùng Vương, Huế; Tel: 054 3936666
Pilgrimage Village: 130 Minh Mạng, Huế; Tel: 054 3885461
Kinh Thành: 05 Lê Lợi, Huế ; Te l : 054 3837457

Khách sạn 4 sao: từ 1.000.000-2.000.000 vnđ/ ngày

Hương Giang Hotel : 51 Lê Lợi, Huế ; Tel : 054 3822122
Park View: 11 Ngô Quyền, Huế; Tel: 054 3823278
Sai Gon Morin: 30 Lê Lợi, Huế; Tel: 054 3823526
Camellia: 59 Bến Nghé, Huế; Tel: 054 2220550.

Khách sạn 3 sao: 800.000-1.500.000 vnđ/1 ngày

Festival Huế: 15 Lý Thường Kiệt, Huế; Tel: 054 3828255
Heritage Huế: 7 Lý Thường Kiệt, Huế; Tel: 054 3838888
New Star: 36 Chu Văn An, Huế; Tel: 054 3834647
Asia: 17 Phạm Ngũ Lão, Huế; Tel: 054 3830283
Ngọc Hương: 10 Chu Văn An, Huế; Tel: 054 3830111
Lăng Cô Beach Resort: thị trấn Lăng Cô; Tel: 054 3873555

Video du lịch Huế

Lịch trình du lịch Huế

Tới Huế ít nhất bạn phải dành thời gian khoảng 3 ngày ở đây thì mới có thể khám phá hết Huế.

Ngày 0: tới Huế sau đó di chuyển về khách sạn nghỉ ngơi.

Ngày 1:

7h: Ăn sáng

Bạn hãy bắt đầu bữa ăn đầu tiên trong ngày bằng bún bò Huế-một món ăn đặc trưng của vùng đất cố đô, sẽ giúp bạn có thêm năng lượng trước khi bắt đầu một ngày khám phá cố đô.

8h – 11h30:  Tham quan các lăng

Lăng Minh Mạng là điểm đầu tiên bạn nên ghé thăm. Sau đó là Lăng Khải Định và kết thúc là Lăng Tự Đức.

12h – 13h: Ăn trưa

Bữa trưa bạn thưởng thức bánh canh Nam Phổ nổi tiếng

13h30 – 15h: Khám phá Đại Nội

15h30 – 17h: Thăng chùa Thiên Mụ

17h30 – 19h: Ăn tối: cơm hoặc bún hến

Đây là đặc sản của ẩm thực Huế bạn không nên bỏ qua.

19h30 – 20h30: Ngồi thuyền ngự sông Hương

Sông Hương về đêm trở nên lãng mạn và dịu dàng hơn. Đây chính là thời điểm bạn nên xuống một con thuyền bất kỳ để ngắm cuộc sống hai bên bờ sông và lắng nghe những khúc ca Huế ngọt ngào.

21h: Ăn chè Huế. Có nhiều loại chè cho bạn lựa chọn như: chè chuối, trôi nước, kê, khoai sọ, bột lọc bọc thịt quay, chè ngô, chè long nhãn,..

21h30: Đi dạo

Bạn hãy dành thời gian cuối ngày đi dạo qua cầu Trường Tiền, mua sắm những món lưu niệm làm quà, thả đèn hoa đăng,..

22h: Nghỉ ngơi

Ngày 2:

7h: ăn sáng

Bạn có thể ăn bún chả cá lóc, bún thịt nướng.

8h: khởi hành tới Vịnh Lăng Cô, tắm biển và tham gia các hoạt động vui chơi trên biển.

12h: ăn trưa

Thưởng thức các món hải sản tươi ngon của Vịnh biển.

13h: dời về núi Bạch Mã, tham quan vườn quốc gia Bạch Mã

16h30: xuống đầm Lập An ngắm hoàng hôn

17h30: trở về TP.Huế ăn tối, nghỉ ngơi

Ngày 3:

7h: ăn sáng

Bạn có thể thưởng thức bánh bột lọc, bánh khoái,… có rất nhiều loại bánh của Huế cho bạn chọn.

7h30: Khởi hành tới phá Tam Giang và dành nguyên một ngày khám phá nơi đây.

Khởi hành về Huế, đến phá Tam Giang

Từ thành phố Huế, đi đến bến Cầu Thuận An (mất khoảng 30 phút di chuyển). Từ bến cầu đi thuyền ra phá Tam Giang mất khoảng 30 phút. Giá vé thuyền: 450.000 đồng cho một thuyền chở tối đa 10 người.

9h: Tham quan đầm Sam, đầm Chuồn

12h: ăn cơm trưa

13h: tham quan làng chài Thái Dương Hạ, một ngôi làng chài cổ đã có được khoảng mấy trăm năm.

17h: Ngắm hoàng hôn trên phá Tam Giang

18h: Kết thúc hành trình. Quay về thành phố Huế nghỉ ngơi để hôm sau quay về nhà.

Lưu ý khi đi du lịch Huế

Để thuận tiện cho chuyến tham quan, bạn nên thuê xe máy với giá từ 80.000 đến 100.000 đồng một ngày.

Một số sđt bạn nên biết:

Công An thành phố Huế : 054.889300
Bưu điện TP Huế : 054.3821220
Bệnh viện Trung ương Huế : 054.3822325

Vào cố đô, lăng tẩm quần áo nên gọn gang kín đáo.

Đến Huế bạn cũng nên chuẩn bị kính dâm, đồ bơi và các đồ chống nắng để đi biển.

Đồ ăn của Huế khá cay nên nếu bạn không ăn được cay có thể đem một vài đồ ăn gọn nhẹ mang theo.

 

5/5 - (4 votes)

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *