Trang chủ » Cẩm Nang Du Lịch » Du lịch Huế » Lăng Minh Mạng Huế – mang tầm vóc vị vua thứ 2 triều Nguyễn
du lịch huế

Lăng Minh Mạng Huế – mang tầm vóc vị vua thứ 2 triều Nguyễn

Lăng Minh Mạng Huế – Với quan niệm chết chưa phải là hết, lăng mộ là thứ còn xót lại sau khi không còn trên trần thế. Nên người xưa, đặc biệt vua chúa coi trọng việc xây dựng khu lăng mộ dành cho mình. Lăng mộ cũng là nơi thể hiện quyền lực tính cách của chủ nhân. Những lăng tẩm ở Huế vừa kết hợp hài hòa với thiên nhiên vừa mang giá trị kiến trúc đặc biệt. Và Lăng Minh Mạng Huế -lăng mộ của vị vua thứ 2 triều Nguyễn là một nơi giá trị như thế. Giai đoạn vua Minh Mạng trị vì được đánh giá là giai đoạn thịnh vượng và hùng mạnh nhất của nước ta. Vì vậy một chuyến du lịch Huế viếng thăm lăng sẽ làm bạn cảm nhận sâu sắc hơn về vị vua này.

Lăng Minh Mạng Huế – mang tầm vóc vị vua thứ 2 triều Nguyễn

Lăng Minh Mạng Huế còn gọi là Hiếu Lăng, do vua Minh Mạng xây dựng một nửa và vua Thiệu Trị xây dựng hoàn tất. Lăng nằm trên núi Cẩm Khê, bắt đầu xây dựng năm 1840 và tới 1843 thì hoàn tất. Nhưng vào tháng 1 năm 1841 vua Minh Mạng qua đời. Vua Thiệu Trị lên nối ngôi, chỉ một tháng sau (tháng 2-1841) đã sai các quan đại thần Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên, Nguyễn Tri Phương chỉ huy gần 10.000 lính và thợ thi công tiếp công trình theo đúng họa đồ của vua cha để lại. Ngày 20 tháng 8 năm 1841, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành. Từ một vùng núi đồi hoang vu, qua bàn tay lao động và óc sáng tạo của con người đã hình thành một khu lăng tẩm uy nghiêm, rực rỡ về kiến trúc, hài hòa với thiên nhiên lại sâu sắc bởi giá trị tư tưởng.

Lăng Minh Mạng Huế

Lăng Minh Mạng Huế có bố cục kiến trúc cân bằng đối xứng, xung quanh một trục kiến trúc là đường thần đạo, xuyên qua một loạt các hạng mục công trình gồm: cửa chính, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân (thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu), hồ Trừng Minh, Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt (trăng non), cổng tam quan Quang Minh Chính Trực, Trung Đạo kiều và cuối cùng là Bửu thành (mộ vua Minh Mạng).

Lăng Minh Mạng Huế

Ảnh: cổng Bửu Thành trầm mặc cổ kính

Lăng có diện tích 18 ha, cửa chính của lăng tên là Đại Hồng môn, cửa mở một lần duy nhất để rước linh cữu của vua nhập lăng. Hai bên cửa chính là hai cửa Tả Hồng môn và Hữu Hồng môn, du khách tới đây sẽ đi bằng 2 của này. Trước là cổng Tam quan, sau đó là khu vực tẩm điện. Mở đầu khu vực tẩm điện là Hiển Đức Môn. Trong điện thờ bài vị của vua và bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu. Hoằng Trạch Môn là công trình kết thúc khu vực tẩm điện, mở ra một không gian của hoa lá và mây nước phía sau. 17 bậc thềm đá Thanh đưa du khách vào khoảng trời xanh mát bóng cây và ngát thơm mùi hoa đại. Ba chiếc cầu: Tả Phù (trái), Trung Đạo (giữa), Hữu Bật (phải) bắc qua hồ Trừng Minh như dải lụa xanh, đưa du khách đến Minh Lâu – một công trình như đột khởi từ quả đồi có tên là Tam Tài Sơn. Minh Lâu nghĩa là lầu sáng, nơi nhà vua suy tư vào những đêm hè trăng thanh gió mát, là nơi đi về của linh hồn tiên đế, là dấu chấm vuông kết thúc một thế giới hữu hạn Trong quần thể Lăng Minh Mạng Huế có hồ hình trăng non tên là Tân Nguyệt ôm lấy Bửu Thành. Đây là hình ảnh của thế giới vô biên.

Tiếp đó là cầu Thông Minh Chính Trực bắc ngang hồ Tân Nguyệt có 33 bậc tầng cấp đẫn vào nơi yên nghỉ của nhà vua, nằm giữa tâm một quả đồi mang tên Khải Trạch Sơn, được giới hạn bởi Bửu Thành hình tròn. Hình tròn này nằm giữa những vòng tròn đồng tâm biểu trưng, được tạo nên từ hồ Tân Nguyệt, La Thành, núi non và đường chân trời như muốn thể hiện khát vọng ôm choàng Trái Đất và ước muốn làm bá chủ vũ trụ của vị vua quá cố. Phía sau Lăng Minh Mạng Huế là Hồ Trừng Minh gồm hai nửa nối thông với nhau có ba cây cầu đá bắc qua. Quanh là rừng thông xanh mướt và hồ nước đem lại một phong cảnh u tịch. Các công trình trong lăng đều có bố cục kiến trúc đăng đối khiến lăng có vẻ uy nghiêm nhưng được đan xen với vườn cây, tiểu cảnh, hồ nước nên toàn bộ lăng hài hòa với thiên nhiên nhưng vẫn mang vẻ uy nghiêm tráng lệ.

Lăng Minh Mạng Huế

Ảnh:Cổng Đại Hồng Môn u tịch bí ẩn

Bên cạnh hàng loạt các công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao còn có gần 600 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên Bi Đình, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân và Minh Lâu cũng là những tuyệt tác vô giá. Đó là một “bảo tàng thơ” chọn lọc của nền thi ca Việt Nam đầu thế kỷ 19. Đây là công trình thể hiện vị thế của nước Đại Nam vào thời điểm đó.

Đến với Lăng Minh Mạng Huế người ta điều dễ cảm nhận hơn cả là “phong cảnh thuỷ mạc” thiên nhiên hữu tình ưu ái cho chốn này. Tất cả làm dịu lòng du khách vào viếng thăm lăng. Tới đây du khách cũng có thể ngồi câu cá, hóng mát, làm thơ, ngắm cảnh… Đi thăm lăng mà có cảm giác như đang ung dung đi dạo trong chốn thiên đường. Càng đi sâu vào lăng càng cảm thấy thanh thản về tâm hồn càng tăng dần.
Thăm lăng ta có thể cảm nhận thấy cách nghĩ, thấy được quan niệm của vua Minh Mạng về sự sống và cái chết, về con người, về vũ trụ lớn lao. Hiểu được con người cũng như suy nghĩ, tâm tư tình cảm của vị vua nỗi tiếng này.

 

 

4.5/5 - (2 votes)

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *