Trang chủ » Cẩm Nang Du Lịch » Du lịch Mai Châu thung lũng xinh đẹp giữa miền sơn cước
du lịch mai châu

Du lịch Mai Châu thung lũng xinh đẹp giữa miền sơn cước

Mai Châu là một huyện miền núi thuộc tỉnh Hoà Bình, phía bắc giáp tỉnh Sơn La, phía nam giáp tỉnh Thanh Hóa, phía tây giáp huyện Đà Bắc, phía đông giáp huyện Tân Lạc. Mai Châu cách Hà Nội khoảng 140 km, tính theo cung đường Từ thủ đô Hà Nội đi Bản Lác – Mai Châu – Hòa Bình. Di chuyển đến Mai Châu vô cùng thuận lợi, không chỉ vậy Mai Châu còn được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu mát mẻ và khung cảnh thiên nhiên yên bình tươi đẹp, do vậy Mai Châu thu hút một lượng khách du lịch Mai Châu hằng năm rất lớn. Vẻ đẹp vùng thung lũng Mai châu đã được nhiều du khách biết đến bởi phong cảnh trữ tình mộc mạc,thiên nhiên thanh bình và con người chất phát tình cảm. Từ trên đường 6 nhìn xuống thị trấn mai châu hiện lên như một bức tranh thu nhỏ với ruộng lúa xanh mướt giữa núi đồi thấp thoáng bóng nhà sàn, bụi tre. Blog du lịch Willful And Wildhearted viết “Mai Châu là một vùng đất nằm ở miền núi phía Bắc Việt Nam, khu vực còn ít bị ảnh hưởng bởi nhịp sống đô thị như các thành phố lớn. Du khách có thể trải nghiệm cuộc sống đậm chất văn hóa cùng người dân nơi đây thông qua hình thức ở cùng nhà  – homestay”.

du-lich-mai-chau

Ảnh: Vietnamtips/Wordpress.

Mùa thích hợp nhất đi du lịch Mai Châu

Du lịch Mai Châu đẹp nhất vào lúc lúa chín vàng và lúa đang trổ bông xanh mướt. Lúc này khung cảnh Mai Châu nổi lên rất thơ mộng và rực rỡ, những ruộng lúa vàng óng uốn lượn theo gió, những ngôi nhà sàn nhỏ xinh xinh thấp thoáng trong tán cây rừng.

Vào từ tháng 12 đến tháng 2, khoảng thời gian mùa đông, khí hậu ở Mai Châu khá lạnh, nhiệt độ trung bình 16°C. Đây là lúc du khách đến Mai Châu có thể tận hưởng những đồ nướng ấm áp, cùng ngồi bên đống lửa trại nhảy múa tổ chức ăn uống cùng với cơm lam và các đồ nướng giữa núi đồi se lạnh phủ đầy sương, sẽ là một trải nghiệm khá tuyệt vời. Khung cảnh Mai Châu vào tháng 1-2, mang màu xanh mướt của lúa, của cây cối đâm trồi nảy lộc, màu rực rỡ của hoa đào và váy áo của người Mường, người Thái.

Tháng 3,4,5 và tháng 9,10: khoảng thời gian này thời tiết Mai Châu ôn hòa dễ chịu. Nhiệt độ trong khoảng 18 – 25°C. Thời gian tháng 3,4 có nhiều hoa ban tô điểm thêm cho vẻ đẹp thơ mộng của Mai Châu.

Các bạn nên tránh tháng 6,7,8 vì lúc này nhiệt độ Mai Châu khá cao.

Lễ hội du lịch Mai Châu

  1. Lễ hội xên bản, xên mường (Dân tộc Thái)

Thời gian diễn ra lễ hội vào tháng 8 âm lịch hàng năm. Lễ hội xên bản, xên mường diễn ra để người dân gửi ngắm những ước mơ về cuộc sống bình yên, no ấm đồng thời cũng là dịp thi tài, vui chơi, là cơ hội cho lứa đôi tìm hiểu, yêu đương. Buổi sáng ngày hội chính, đám rước đem mâm cỗ từ nhà tạo mường ra miếu. Ngay sau đó là trai thanh gái lịch khiêng trống, khiêng giàn cùng sáo cùng kèn. Các già làng mặc áo tơ vàng, quần màu xanh, đầu quấn khăn đỏ, vác cung tên theo hai con trâu mộng. Bộ sừng của hai con trâu được bọc giấy màu, giữa trán và hai bên mông được dán bằng hình hoa cắt từ giấy trắng. Hai con trâu này, một con dùng để cúng thần tổ ở đình gốc và một con dùng để cúng thần hoàng. Sau cùng của đoàn rước là đoàn quân mặc trang phục quần vàng, áo đỏ viền xanh, đội mũ chóp đỏ, chân đi hài quấn xà cạp tận đầu gối, vác súng và gươm giáo… những người này có nhiệm vụ bảo vệ bản mường. Ngoài ra, trong lễ hội còn nhiều trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Thái như: Đánh trống chiêng, chơi cù quay, ném còn, tò lẻ, thi hát đối đáp, Keng loóng….  Trong đó Keng loóng được coi là một trong những trò chơi cổ xưa nhất của người Thái gắn liền với quan niệm xưa ếch ăn trăng vào ngày nguyệt thực. Là lối chơi âm nhạc bằng cách dùng chày giã gạo vào chiếc cối hình thuyền nhằm tạo nên những âm thành nhịp nhàng. Lễ hội này là một nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng dân tộc người Thái.

  1. Lễ hội Cầu Mưa (Dân tộc Thái)

Thời gian diễn ra lễ hội vào tháng 4 âm lịch hàng năm. Cuộc sống của những người dân tộc Thái chủ yếu là nông nghiệp nên phụ thuộc nhiều vào thời tiết, họ tin thần linh sẽ đáp ứng mong muốn nếu họ thực tâm nguyện cầu. Một điều vô cùng đặc biệt là dân bản vốn tin trời không cho mưa là do lỗi của những người phụ nữ chửa hoang, không biết giữ mình. Thương những em bé không cha, không có người đàn ông lo làm nhà, trời mới ngừng mưa để mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn. Dân làng ai nấy đều cúng bái suốt đêm, thỉnh cầu thần sông, thần nước, thần mưa. Thời điểm này, ngay cả trai gái trong làng cũng không nghĩ tới chuyện hát giao duyên tỏ tình, chỉ hát gieo vừng, gieo kê. Những tiếng hát trong vắt, trầm ấm xen lẫn nhau, vọng vang qua từng ngọn núi. Dù đông đúc nhưng hội hát thường đi thành hàng rất gọn ghẽ, cảnh tượng này khiến du khách may mắn chứng kiến cảm thấy vô cùng thú vị.

  1. Lễ hội Cồng Chiêng (Dân tộc Mường)

Thời gian diễn ra lễ hội vào những ngày Xuân, ngày Tết, mong mọi vật sinh sôi nảy nở.  Trong kễ hội có những lời ca, nhịp điệu để lại dấu ấn trong văn hóa lễ hội của người Thái

  1. Lễ hội Lồng Tồng hay lễ hội Xuống đồng (Dân tộc Tày) du-lich-mai-chau

Thời gian diễn ra lễ hội từ mồng 5 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội Xuống Đồng của dân tộc Tày diễn ra với mục đích để cầu mùa, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, và người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong lễ hội có các hoạt động vui chơi đặc sắc như: múa sư tử, ném Còn, múa Xòe, múa vơ, kéo co,… Đặc biệt, đêm về, nam nữ thanh niên thi hát lượn đối đáp.

Giao thông du lịch Mai Châu

Từ Hà Nội lên Mai Châu bạn có thể di chuyển bằng xe máy dễ dàng, bên cạnh đó bạn cũng có thể đi xe khách từ bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên.

Di chuyển bằng xe máy:

Cung đường thứ nhất: Bạn đi theo cung đường Hà Nội – Xuân Mai –  (theo đường quốc lộ 6).

Cung đường thứ hai: Đường thứ hai sẽ xa hơn so với đường thứ nhất nhưng 20km, nhưng qua nhiều cảnh đẹp hơn rất nhiều so với đường thứ nhất:

Bạn đi theo Đại Lộ Thăng Long – đến ngã tư Hòa Lạc rẽ trái 15km tới Xuân Mai, bạn rẽ phải và đi theo lộ trình Lương Sơn – Hòa Bình – Mường Khén – Mai Châu (Lưu ý: cuối đường Hòa Lạc hay bắn tốc độ: 40km/h ngoài ra còn bắn ở : trường Lâm Nghiệp Xuân Mai – Đầu thị trấn Lương Sơn , đầu thị trấn Cao Phong, cuối TT Cao Phong hay bị kiểm tra xe máy nên các bạn phải chuẩn bị gương đầy đủ, đỉnh đèo Thung Khe hay bắt đè vạch sơn trên đường các bạn chú ý)

Lưu ý: Khi đến địa phận Hòa Bình bạn sẽ phải lên dốc, lên đèo khá nhiều do vậy tốt nhất bạn chuẩn bị 1 chiếc xe máy cũng cần tương đối khỏe nếu như xe đi 2 người. Ngoài ra cẩn thận hơn bạn nên chuẩn bị các dụng cụ nhỏ phòng khi thủng lốp mình có thể xử lý ngay tại chỗ tránh trường hợp đoạn đường dài không có quán sửa chữa.

Di chuyển bằng ô tô:

Xe khách chạy hàng ngày, chuyến xe ở Mỹ Đình sớm nhất xuất bến vào lúc 06h30 sáng tại Mỹ Đình và chuyến cuối cùng là lúc 15h00. Bạn không cần phải đặt chỗ trước mà chỉ cần ra bến trước giờ xe chạy là có thể lên xe, giá vé dao động từ khoảng 80.000-100.000đ một người. Xe thường là xe huyndai County 29 chỗ chất lượng cũng khá, vào các ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ xe thường không có đủ ghế ngồi cho khách. Xe sẽ đưa bạn tới tận bến xe Mai Châu, từ đây bạn có thể bắt xe ôm hoặc taxi vào trong bản Lác với giá 20.000/ xe ôm và 40.000đ/taxi.

Di chuyển ở Mai Châu

Tại Mai Châu bạn có thể thuê xe đạp với giá 30.000 vnđ để đi khắp các bản làng của Mai Châu và để đi xa hơn như Thung Nai bạn có thể thuê xe máy với giá 100.000 – 200.000 vnđ/ngày

Bản đồ du lịch Mai Châu

du-lich-mai-chau

Địa điểm du lịch Mai Châu

Bản Lác

Bản Lác như món quà của núi rừng dành tặng những ai yêu thích sự bình yên, tĩnh lặng để cùng hoà mình vào không gian xanh mướt của núi rừng Hoà Bình.

du-lich-mai-chau

Con đường nối giữa thị trấn Mai Châu và Bản Lác là dốc Cun dài 12 km. Đường dốc Cun cheo leo, uốn lượn, nếu ai đi xe máy qua đây sẽ được tận hưởng cảm giác lượn qua vách núi cao lên mãi giữa lưng trời. Càng lên cao, cảnh vật càng hùng vĩ, nên thơ khiến bạn choáng ngợp. Đứng trên dốc núi nhìn xuống thấy cả biển mây trắng xóa che khuất tầm nhìn. Đi tiếp đến đèo Thung Nhuối, từ trên đèo sẽ thấy bản Lác với thung lũng lọt thỏm giữa màu xanh ngắt và thấp thoáng những mái nhà sàn mộc mạc. Bản Lác có tuổi đời trên 700 năm, dân ở bản Lác chủ yếu là người Thái đen sinh sống với nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm. Quanh bản Lác có nhiều cửa hàng bán đồ thổ cẩm, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những món đồ nhỏ xinh đầy màu sắc và chỉ tốn 10.000 – 15.000 đồng cho một lần thuê váy áo. Bạn có thể điệu đà trong chiếc váy Thái và đạp xe quanh bản để cảm nhận cuộc sống của người dân vùng cao.

Buổi tối bạn dùng cơm với người dân thưởng thức những món ngon riêng có của núi rừng như: gà đồi, cá suối hấp, măng đắng, nếp nương…  Sau khi dùng cơm xong có thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt, giao lưu tập thể như: cắm trại, thi hát.. Đêm đến, hòa mình trong không gian văn hóa truyền thống của người Thái, đốt lửa trại, giao lưu nhảy sạp với dân bản và lắc lư cùng điệu xòe Thái. Bản Lác là nơi thích hợp cho nhóm bạn bè cùng đi dã ngoại để khám phá nếp sống của người Thái đen nơi rẻo cao.

Đèo Thung Khe

du-lich-mai-chau

Nằm giữa Tân Lạc và Mai Châu (Hòa Bình) trên đường quốc lộ 6, đèo Thung Khe hay đèo Đá Trắng buổi sớm là bầu trời trong trẻo, buổi trưa là nắng gắt trời xanh, buổi chiều dìu dịu với ánh nắng chiều và đêm là sương mù giăng khắp lối. Đèo không hùng vĩ như Ô Quy Hồ đất Lào Cai, không cheo leo như Mã Pì Lèng của đất Hà Giang nhưng lại chứa đựng vô vàn hiểm nguy bất ngờ đối với bất kỳ tay lái nào.

Từ Tân Lạc càng đi dần lên cảnh sắc Hòa Bình càng thay đổi. Quanh cảnh núi đồi chập chùng với thung lũng xanh mát lạnh. Đỉnh đèo bên dốc đá trắng, nơi luôn có sẵn vài lán bán ngô, bán cơm lam cho khách dừng chân nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Dốc xuống xuôi về phía Mai Châu và con đèo kết thúc tại ngã ba Tòng Đậu. Thung Khe không có những dốc đứng, không có những cua tay áo cháy phanh nhưng lại nguy hiểm bởi những màn sương mù đặc quánh mỗi chiều xuống và buổi sớm cản trở tầm nhìn.

Ở Thung Khe một ngày là bốn mùa tươi đẹp. Buổi sớm khi mây trời còn bảng lảng là vô vàn giọt nắng xiên qua biển mây bồng bềnh với màu xanh mát mắt. Buổi trưa là nắng vàng rót mật trên mọi ngả đường cùng mây trắng, trời xanh. Buổi chiều là không khí mát mẻ dễ chịu với ánh nắng chiều sau mỗi khúc cua. Buổi tối là mây luồn xà thấp trên mọi ngả đường, không rõ vật cách mình trong tầm một mét, lạnh cóng đôi bàn tay.

Bản Bom Coọng

du-lich-mai-chau

Bom Coọng tên bản có nghĩa là bản của những quả đồi nằm trên cái trống lớn. Bản Bom Coọng được biết đến là một làng văn hóa, làng du lịch, điểm đến hấp dẫn với du khách. Theo truyền thống, người dân Pom Coọng ở trong những ngôi nhà sàn san sát chỉ cách nhau bởi luống rau hay bờ dậu mỏng, ngồi trên cửa, người ta có thể trò chuyện cùng nhau vui đùa.

Khác với nhà sàn của các dân tộc khác, nhà sàn của người Thái thường cao ráo hơn, sàn nhà bằng tre hoặc bương. Mái nhà lợp gianh, lá mây hoặc được cải tiến bằng gạch. Các cửa sổ trong nhà có kích thước lớn để đón gió mát và cũng là nơi để chủ nhà treo các giò hoa phong lan, hoa rừng, những lồng chim cảnh.

Dưới chân nhà sàn, các cô gái Thái miệt mài bên khung cửi làm ra các sản phẩm thổ cẩm độc đáo, thu hút khách du lịch. Các sản phẩm lưu niệm là những tấm thổ cẩm, túi, áo được bày bán ngay tại dưới chân nhà sàn với nhiều màu sắc sặc sỡ, khiến những ngôi nhà sàn của Pom Coọng càng thêm nổi bật.

Sức sống của du lịch Pom Coọng, đó chính là không gian “thuần Thái” rất sạch sẽ. Nguồn nước sạch, các công trình nước, vệ sinh được làm quy củ tạo cho du khách cảm giác trong lành và an toàn. Nước chủ yếu là dùng nước máy. Rác thải được phân loại, đựng trong thùng và sẽ được xử lý. Đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ, không có chuyện người dân vứt rác bừa bãi. Khiến du khách tới đây luôn có cảm giác được chào đón và nơi đây thân thuộc như ngôi nhà của mình.

Hang Mỏ Luông

du-lich-mai-chau

Hang nằm cách thị trấn Mai Châu không xa, nằm sát quốc lộ 15. Tên gọi cũ là hang Bó Luông, tiếng Thái Bó Luông có nghĩa là mạch nước lớn. Đó là mạch nước bắt nguồn từ trong lòng dãy núi Pù Khà. Mạch nước này chảy ra cánh đồng phía Tây, nhân dân địa phương đã đào đắp thành hồ chứa nước và đặt tên là hồ Mỏ Luông. Hang Mỏ Luông có 2 cửa đều trông ra cánh đồng và các bản làng trong thung lũng. Hang sâu vào lòng núi hơn 500m kể cả ngách. Chiều rộng từ 1m đến 30m. Vòm trần có chiều cao trung bình 10m, chỗ cao nhất 30m. Từ đường 15 leo lên cửa hang hướng Tây bắc chừng 18m. Đường lên tương đối thuận tiện. Ngoài cửa được bảo vệ bằng một bức tường bê tông và cửa sắt chắc chắn do quân đội xây dựng từ những năm chiến tranh. Bên ngoài cửa là một bức rèm nhũ xám màu thời gian.

Hang Mỏ Luông có 4 động chính, trong đó động thứ hai cao hơn động một khoảng10m, đây được coi là xứ sở thần tiên của đá. Trên vòm hang là các dải nhũ trắng, vàng, xanh, xám như những đám mây lóng lánh. Dưới chân là các làn vân đá trải dài óng ả như tấm thảm được dát bạc. Xung quanh là hàng rào nhũ đá, ở giữa là các bờ đá nổi vân uốn lượn. Đi tiếp vào bên trong, bạt ngàn nhũ đá hiện ra như một phòng trưng bày thổ cẩm. Động thứ ba thấp hơn động thứ nhất tới 7m. Muốn thăm động thứ ba này du khách phải nghiêng mình lách qua khe cửa tò vò rồi luồn qua một đoạn dài chừng 10m. Đi tiếp vào trong, lòng hang mở rộng khoảng 20m, trần cao khoảng 20m vách hang có những ngách nhỏ như những căn phòng xinh xắn, bên trong lấp lánh ánh bạc. Các dải nhũ buông xuống bên vách động như những bộ đàn đá, khi gõ vào âm thanh vang vọng khác nhau.

Rẽ theo tay phải, tụt xuống một ngách nhỏ sâu khoảng 3m là một con suối chảy ngầm trong lòng núi. Nước suối trong vắt mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, chảy suốt quanh năm, cung cấp nước tưới tiêu cho cánh đồng khu vực xã Chiềng Châu và tthị trấn Mai Châu.

Động thứ tư có chiều dài 15m, rộng 12m, vòm trần cao 25m. Đặc biệt trong lòng động này các khối nhũ đá như được mọc lên từ mặt nền lên với đủ các hình dáng. Các khối nhũ hoà quyện, đan xen vào nhau tạo nên những bức tranh vô cùng sinh động.

Hang Chiều

Hang Chiều nằm ở hướng Tây Nam của thị trấn Mai Châu. Để lên tới Hang Chiều du khách phải trải qua 1200 bậc đá, bên cạnh cửa hang có cây Xà Pùng cổ thụ. Càng lên cao nhìn xuống, thị trấn Mai Châu trù phú và thơ mộng càng hiện ra rõ nét. Vào trong lòng hang tương đối bằng phẳng, thoáng mát. Vào đến động chính, cảm giác đầu tiên của du khách là sự choáng ngợp trước rừng thạch nhũ còn nguyên sơ trùng điệp, lung linh và huyền ảo. Nhũ mọc từ bên trái, nhô ra từ bên phải,  từ vòm trần rủ xuống, từ đất mọc lên với muôn hình khối và màu sắc, dáng vẻ sinh động với bao hình thái và tư thế khác nhau. Càng đi sâu vào hang, du khách sẽ thực sự bất ngờ trước vẻ đẹp lộng lẫy và kì vĩ của rừng thạch nhũ đua nhau khoe sắc. Đến cuối du khách sẽ gặp bậc xuống tầng hang thứ hai. Với chiều dài khoảng hơn 80m, rộng khoảng 30m, được chia thành 2 ngách. Leo lên khoảng 30m về bên trái, du khách sẽ thích thú trước cảnh đẹp kỳ vĩ và huyền ảo của rừng nhũ đá. Hang động Mai Châu mang vẻ bí ẩn, những giải nhũ lớn tựa bức tranh của thiên nhiên, lung linh huyền ảo và kỳ thú, tất cả sẽ làm cho du khách như đang lạc vào khung cảnh thần tiên, nơi mà ngàn sinh linh hóa đá.

Thác Gò Lào

du-lich-mai-chau8

Gò Lào là tên một con thác nằm ở khu vực xã Phúc Sạn, cách trung tâm Thị trấn Mai Châu khoảng 15km. Từ trên đường chính, bạn sẽ phải gửi xe và đi bộ để xuống được thác. Thác Gò Lào gồm 2 thác nước nhỏ, chảy từ độ cao khoảng 15m xuống. Khu vực dưới chân thác có một bãi đất trống bằng phẳng có thể phù hợp cho việc tổ chức một bữa picnic ngoài trời.

Mách nhỏ: Các bạn trước khi xuống thác thì gửi xe ở nhà Anh Tuấn (cách đường xuống thác khoảng 10m) rồi đi theo hướng mũi tên chỉ. Nếu trời khô thì không sao nhưng nếu trước đó vừa mưa thì con đường xuống thác vô cùng trơn trượt.

Ngoài những địa điểm trên bạn có thể đi xe đạp để tham quan bản Văn, bản Nhót,…

Ẩm thực du lịch Mai Châu

Cơm lam

du-lich-mai-chau9

Mai Châu được biết đến với những ruộng lúa xanh trải dài khắp thung lũng, từ những ruộng lúa ấy cho ra loại gạo thơm, dẻo bởi. Từ loại gạo đặc biệt ấy người dân tạo nên một món ăn được coi là đặc sản của núi rừng sơn cước, đó là cơm lam. Cơm lam được làm từ gạo nếp nương sau khi ngâm qua đêm trộn với cùi dừa thái sợi, lèn thật chặt vào trong ống nứa. Sau khi gạo được cho vào trong ống, đổ thêm chút nước dừa sau đó nút ống lại đem nướng trên bếp than hồng. Sau khoảng 2 tiếng sẽ cho ra món ăn đặc biệt thơm dẻo, khi ăn chấm với muối vừng khiến người ta ăn mãi không chán.

Mía nướng

Những thân mía dài, thẳng, ngọt lịm được đem nướng cùng cơm lam, khi cơm lam chín thì cũng là lúc mía chín. Mía nướng thơm ngát, khi ăn ngọt lịm và rất mềm. Nếu bạn từng thưởng thức món này chắc chắn mùi thơm thanh thanh của mía sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.

Thịt lợn rừng xiên nướng

du-lich-mai-chau10

Thịt lợn rừng xiên nướng là một lựa chọn hấp dẫn khi lên Mai Châu. Thịt dùng làm món nướng là phần thịt ngon từ lợn Mường. Những con lợn được chăn thả tự do và ăn cỏ cùng rau xanh nên thịt ngọt và chắc. Thịt được đem tẩm ướp rất nhiều loại gia vị khác nhau: muối, ớt bột, hồi, giềng, sả, lá móc mật, gừng, nghệ, dấm… Sau đó chờ khoảng 30 phút cho thịt ngấm gia vị thì xiên thịt vào que và nướng trên bếp than cho chảy mỡ, vàng bắt mắt, mùi thơm nồng nàn, lan tỏa. Nếu bạn mua xiên thì rơi vào khoảng 30.000 vnđ/xiên. Xiên khá dài có thể làm bạn no chỉ với 1 xiên thịt.

Ong rừng xào măng

du-lich-mai-chau11

Ong rừng và măng rừng là 2 món của núi rừng thiên nhiên tạo nên bởi vậy mà sự kết hợp hoàn hảo này tạo nên một món ăn mang đậm cả hương vị của núi rừng Mai Châu. Vào dịp cuối hè, khi những tổ ong rừng to được người dân mang về và hái những ngọn măng đem ngâm chua sau xào với ong tạo nên món ăn béo ngậy, thơm lừng của ong non lẫn vị chua cay của măng và ớt, vị hăng hăng của củ kiệu muối ăn kèm sẽ khiến bất cứ ai nếm thử sẽ nhớ mãi không quên.

Thịt gà đồi

du-lich-mai-chau.jpg

Mai Châu đất rộng nên thích hợp nuôi gà chăn thả, những con gà được thả tự do ăn rau cỏ nên thịt rất chắc và ngọt. Gà có thể nướng, quay hoặc luộc sau đó chấm với muối ớt ăn hương vị rất ngọt và thơm.

Nghỉ ngơi du lịch Mai Châu

du-lich-mai-chau

Ở Mai Châu có 2 bản du lịch nổi tiếng là bản Lác và bản Pom Coọng kinh doanh dịch vụ phòng nghỉ dưới dạng nhà sàn du lịch. Khi nghỉ tại các nhà sàn này thường thì sẽ giống một hình thức ngủ tập thể. Hiện nay, bản Lác có hơn 20 nhà nghỉ homestay rộng rãi, thoáng mát. Nhà sàn ở bản Lác cũng cao ráo, rộng rãi giữ được lối kiến trúc cổ. Bên trong mỗi nhà đều trang bị đầy đủ chăn, đệm, gối được gấp ngăn nắp, gọn gàng. Nếu bạn đi ít người và thấy không phù hợp với kiểu nghỉ này bạn vào bản tham quan du lịch, đặt ăn uống, tham gia các hoạt động văn nghệ rồi về Thị trấn Mai Châu để nghỉ ngơi.

Giá thuê nhà sàn: Nếu đi nhóm đông từ 30 người trở lên, giá 50.000 – 80.000 đồng một người tùy thời điểm. Nếu đi cùng gia đình từ 2 – 4 người, chi phí cho một đêm cho cả nhà khoảng 350.000 đồng. Nếu bạn đi 1 mình hoặc nhóm ít có thể ngủ chung với những người khác ở Homestay ngủ chung, giá thường là 50k/người.

Ngoài ra còn có Mai châu ecolodge, đây là khu nghỉ dưỡng sinh thái, được xây dựng theo mô hình nhà sàn của nhà người Thái cổ với trần loi mái cọ. Nhìn từ xa, khu nghỉ dưỡng này thấp thoáng những nếp nhà sàn là từng căn bungalows được bao bọc bởi cây xanh và hoa lá. Tại các căn bungalows, bạn có thể thảnh thơi ngả lưng trên chiếc ghế tre, thưởng thức tách trà nóng và nhìn ngắm thung lũng tràn một màu xanh ngát.

Lịch trình du lịch Mai Châu

du-lich-mai-chau

Lịch trình du lịch Mai Châu 2 ngày 1 đêm

Ngày 1: Hà Nội – Thung Khe – Bản Lác

7h00: Khởi hành

Từ Hà Nội, bạn đi theo hướng Xuân Mai, Lương Sơn, Hòa Bình, Mường Khén tới Mai Châu. Dọc đường, bạn nên dừng chân tại đèo Thung Khe, nơi quanh năm chìm trong sương mù và thưởng thức các loại ngô nướng, trứng luộc.

11h00: Nhận phòng

Mai Châu có 4 điểm tham quan nổi tiếng là bản Lác, Poom Coọng, Văn, Nhót nằm gần nhau. Các phòng nghỉ ở đây là nhà sàn, du khách sẽ ở chung một phòng lớn. Giá một người mỗi đêm là 50.000 đồng.

12h00: Ăn trưa

Đặc sản Mai Châu gồm cơm lam, gà cuộn lá dong hấp, cá kho ống tre… Bạn nên gọi điện đặt trước để chủ nhà chuẩn bị kịp.

14h00: Tham quan hang Mỏ Luông

Hang Mỏ Luông gồm 4 động chính, nổi tiếng với hệ thống nhũ đá kết thành nhiều hình như hoa, suối. Sau khi kết thúc hành trình, tại động cuối cùng được chiêm ngưỡng một suối nước ngầm chảy ra hồ gần đó.

17h00: Tham quan Mai Châu
19h00: Ăn tốiTrời chiều là thời điểm phù hợp để tham quan các bản làng. Ngoài đi bộ, bạn có thể thuê xe điện (250.000 đồng mỗi lượt), xe máy (100.0000-200.000 đồng một ngày) hoặc xe đạp (30.000 đồng mỗi buổi). Sau khi men theo đường nằm giữa những nếp nhà sàn, bạn nên tiến ra phía cánh đồng để tận hưởng không khí trong lành và mát mẻ.

20h00: Xem ca nhạc

Dịch vụ này cần đặt trước với giá 700.000 đồng một lần để đội văn nghệ chuẩn bị. Thời gian kéo dài 2 tiếng gồm các hoạt động như nhảy sạp, múa khăn, xòe…

22h00: Nghỉ ngơi

Ngày 2: Mai Châu – Thung Nai – Hà Nội

5h00: Ngắm bình minh

Để ngắm toàn cảnh bình minh Mai Châu, bạn nên dậy sớm và di chuyển tới khu vực cột cờ hướng đèo Thung Khe. Lúc này, mặt trời mới lên, chiếu nắng nhẹ xuống thung lũng tạo những vệt sáng dài đẹp mắt.

7h00: Ăn sáng

Đường từ cột cờ về nơi nghỉ sẽ qua một khu chợ bản địa. Nơi đây có nhiều hàng bán bánh mì, xôi…Nếu không muốn ăn ở bên ngoài, bạn nên đặt trước chủ nhà.

8h00: Khởi hành đi Thung Nai

10h00: Tham quan cối xay gió

Thung Nai được ví như Hạ Long trên cạn với những núi đá nằm giữa lòng hồ sông Đà mênh mông. Để tham quan, du khách phải thuê thuyền với giá 100.000 đồng một người. Điểm dừng đầu tiên là một hòn đảo nhỏ, nơi lấy chiếc cối xay gió làm biểu tượng. Bạn có thể trèo lên đỉnh để ngắm toàn cảnh.

12h00: Ăn trưa tại Đảo Dừa, nơi đây có món cá nướng nổi tiếng như của Ba Bể. Trên đảo có một nhà hàng phục vụ khách. Bạn nên gọi điện đặt trước để không phải chờ lâu. Các món nên thưởng thức là cá nướng sông Đà, măng rừng xào…

14h00: Tham quan đền Thác Bờ

Đền Thác Bờ có vị thế đặc biệt, lưng dựa núi và mặt hướng sông nước, nổi tiếng uy nghi, linh thiêng. Đường lên đền có một khu chợ nhỏ, nơi những người bản địa bày bán các loại thuốc lá và rau rừng.

15h00: Khám phá động Thác Bờ

Động Thác Bờ là điểm du lịch gắn với quần thể di tích đền Thác Bờ. Tới đây, du khách có thể ghé khu vực thờ Phật hay đi sâu vào trong để chiêm ngưỡng những khối nhũ đá với nhiều hình dáng khác nhau.

16h00: Trở về Hà Nội, kết thúc hành trình

Lưu ý du lịch Mai Châu

Tháng 6,7,8 khoảng thời gian mùa hè với nhiệt độ khá cao khoảng 25 – 35°C, có thể có mưa, do đó nếu đi vào mùa này bạn nên mang theo kính râm, mũ, kem chống nắng, ô, áo mưa

Ngoài ra khi đến Mai Châu bạn nên nhớ mang theo giày để đi bộ hoặc leo núi cho thoải mái, thuốc chống côn trùng.

Bạn cũng nên chuẩn bi 1 chiếc áo khoác mỏng vì buổi sáng và tối trên Mai Châu thường lạnh.

Đi dạo một vòng trong bản, bạn sẽ không thấy bất kỳ hành động chèo kéo du khách hay mời mọc mua hàng. Các mặt hàng như khăn quàng cổ, váy xòe Thái, những chiếc ví xinh xắn, cung, nỏ, sáo trúc, mõ trâu, chiêng, tù và, sừng trâu… được bày bán trước cửa nhà, bạn có thể lấy để thử, chụp ảnh mà không sợ bị để ý hay than phiền.

3/5 - (2 votes)

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *