Hang Dơi Mộc Châu, một chốn bồng lai tiên cảnh giữa trần gian
Mộc Châu không chỉ dành cho những người yêu thích thiên nhiên hoang dã, phong cảnh đẹp, hay những ai thích ăn uống, ẩm thực mà còn dành cho những người muốn trải nghiệm, tìm hiểu và khám phá về địa chất, đặc biệt là các núi đá vôi và hang động. Mộc Châu có địa hình núi đá vôi chiếm một diện tích khá lớn và những hang động lớn khi trải qua hàng triệu năm. Những hang động ấy đều có vẻ đẹp hoang sơ đến mê hồn khiến người ghé thăm cảm giác như lạc vào một thế giới khác. Một trong số hang động ấy, đẹp nhất phải kể đến Hang Dơi Mộc Châu hay còn gọi là động Sơn Mộc Hương hoặc Tây Thiên Đệ Nhất Động.

Từ Hà Nội lên thị xã Sơn La theo quốc lộ 6, hang Dơi nằm ngay gần trung tâm thị trấn Mộc Châu. Từ quốc lộ 6 lên tới hang phải leo 240 bậc đá để tới cửa hang. Hang Dơi có diện tích là 6.915 m2.
Tương truyền rằng: Từ thủa xa xưa có một con rồng thiêng bay về biển đông. Khi bay qua vùng đất này, thấy núi non hùng vĩ đất đai trù phú, khí hậu mát mẻ, cảnh trời thanh bình rồng muốn cư ngụ tại đây bèn hạ xuống ẩn mình trú ngụ tại nơi đây. Ngày nay dãy núi uốn lượn bao quanh thung lũng có những màu sắc huyền bí: trắng ngần trong lúc ban mai, xanh biếc vào buổi trưa, rực hồng trong buổi chiều, tím biếc khi hoàng hôn, đó chính là thân rồng.

Khi rồng hóa đã cảm ơn mảnh đất đã nuôi dưỡng rồng và dã nhả ra 7 viên ngọc để trả ơn mảnh đất đã nuôi dưỡng mình (đó chính là 7 quả núi nhỏ dưới thung lũng ngày nay) miệng rồng quy về hướng Nam nhìn xuống 7 viên ngọc, đây cũng chính là cửa Hang Dơi.
Vào tới khu vực cửa hang sẽ bắt gặp những khoảng trống thông thiên tạo nên ánh sáng kỳ ảo. Trong lòng hang nhiều khoảng bằng phẳng rộng rãi đặt những bàn thờ Phật.

Ở giữa là khu vực “Cung điện Nhà Trời” với một hồ nước cạn, được ví như thuỷ cung bởi giữa lòng hồ có một tảng đá hình con rùa, bên trên là những khối nhũ đá đẹp kỳ lạ.
Càng vào sâu trong càng thấy những ánh sáng mờ ảo hắt vào những khối nhũ đá lung linh, tiếng nước rơi thánh thót như tiếng đàn. Trên trần động cao rủ xuống những dải nhũ thạch lấp lánh đủ 7 sắc cầu vồng. Nhiều khối nhũ đá chảy từ trên xuống như những rễ cây đa cổ thụ to lớn. Trên vách động nhiều khối nhũ đá rủ xuống thiên tạo đã tạo ra nhiều hình vẻ khách nhau như: con voi, sư tử, cầy bay, kì đà. Ngoài ra còn có rất nhiều nhũ đá đủ mọi hình dáng không cần gọt đẽo: đây là cây đồng tiền, cây thóc, kia là những ông tiên, cô tiên.

Một đoạn trong lòng hang cao ráo, rộng rãi với vòm hang cao vút được gọi là “Buồng Công chúa”, như một “cung điện lỗng lẫy, nguy nga mà chỉ tìm thấy trong các truyện huyền thoại”.
Vòm hang khác là nơi có nhiều hốc đá là tổ của những đàn dơi đông đúc, đen kịt từ đó mới có tên gọi Hang Dơi. Hành trình khám phá hang Dơi đem lại bao điều kỳ thú, du khách tha hồ tưởng tượng với những khối đá, những khối thạch nhũ trong hang, cũng như tâm linh như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh với nhiều truyền thuyết và câu chuyện đầy linh thiêng. Bên cạnh đó là tận hưởng không khí mát lạnh ở trong hang với những dòng nước trong vắt như một nơi chưa từng có sự xuất hiện của con người.