Ẩm thực Hà Giang hơi thở và sự mộc mạc của cao nguyên đá
Đến và chinh phục cao nguyên đá Hà Giang là cả một cuộc hành trình dài và không ít gian nan. Vì vậy, không chỉ là ngắm cảnh, cảm nhận vẻ đẹp của Hà Giang qua khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng và đẹp mê mẩn mà bạn còn có một con đường rất gần để cảm nhận được cuộc sống và hơi thở của Hà Giang. Đó chính là ẩm thực cao nguyên đá, những món ăn mộc mạc nhưng đậm đà ấm áp như chính những con người ở nơi đây. Hãy xem danh sách ẩm thực Hà Giang dưới đây để thêm sự lựa chọn vào cuộc hành trình của bạn nhé.

Phở Tráng Kìm

Chợ Tráng Kìm nằm cách trung tâm thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ khoảng hơn 10 km. Nơi đây có phiên chợ họp vào mỗi sáng thứ 5 hàng tuần. Phiên chợ này luôn có món món phở trứ danh nên bạn hãy cố dậy sớm để đi đến đây thưởng thức. Phở Tráng Kìm với sợi phở dày, cắt sợi khá thô nhưng dai ròn, một bát phở Tráng Kìm đúng điệu là khi kết hợp với thịt gà đồi lại tạo thành hai hương vị vô cùng ngon. Đặc biệt, tất cả sẽ được phủ một màu vàng bắt mắt từ bột nghệ. Bạn có thể ăn phở ở các quán khu vực trung tâm thôn Tráng Kìm và đặc sắc nhất là tại phiên chợ.
Tiết canh lợn mán

Trong bất cứ phiên chợ nào của Hà Giang luôn có sự hiện diện của món ăn này. Món ăn mà khách Tây cho rằng “kinh khủng” nhất của Việt Nam. Và cũng là món ăn thử thách sự can đảm của du khách Việt, nhưng đối với ai đã từng ăn được tiết canh thì món ăn này đảm bảo sẽ gây nghiện. Tiết canh được đánh đông và đầy sụn cùng mùi thơm phức của lạc rang và lá rau thơm. Bát tiết canh không chỉ thu hút bởi màu đỏ tươi của tiết, màu xanh của rau thơm, màu vàng rộm của lạc rang mà còn có vị ngọt thơm bùi của các nguyên liệu hòa quện từ bàn tay tài hoa của người chế biến.
Lẩu thắng cố và rượu ngô

Bát thắng cố của cao nguyên đá to ụ với lẫn lộn nội tạng và tiết từ ngựa, bò, dê,… được đun sôi trên bếp lửa cả ngày cùng với một vài loại thảo quả, khi có người ăn thì múc ra bát cho nóng. Món ăn khi nấu không cho gia vị nên khi ăn sẽ được kèm bát muối. Khi ăn uống cùng chén rượu ngô cay xè nóng cháy họng rồi lại thêm miếng thắng cố đậm vị và ngọt nước ngồi lắng nghe những người đàn ông, đàn bà vui vẻ trò chuyện sẽ là một điều nhỏ bé khiến chuyến đi của bạn thêm kỷ niệm đẹp.
Rượu ngô của Hà Giang được làm từ những hạt ngô mọc lên từ cao nguyên đầy đá, cũng bởi thế mà rượu ngô ngọt và thơm, nếu có quá chén thì êm dịu chứ không bị đau đầu. Du khách lên vùng cao nguyên đá vào mùa đông giá rét thì mới thấm thía được hết vị ngon và ấm áp mà món ăn thắng cố thưởng thức cùng rượu ngô mang lại.
Bánh cuốn Đồng Văn

Không rõ từ bao giờ, bánh cuốn của Đồng Văn được cả khách Tây và khách Việt biết đến khi tới cao nguyên đá. Những hàng quán đơn sơ, bánh được tráng trực tiếp trên bếp củi, tùy theo khẩu vị của người ăn mà cho nhân có thịt và mộc nhĩ hoặc trứng tráng.
Vỏ bánh mỏng tanh nhưng mịn, dai và ngọt. Bánh được ăn cùng bát canh to với nước xương ninh nhừ làm nên sự đặc biệt của món ăn. Ngoài ra còn giò lụa hoặc chả băm được thả kèm vào bát canh, quyện lẫn vị ngọt của nước xương, mùi thơm của hành lá mang lại thứ hương vị đặc biệt khiến ai đi qua cũng cảm thấy thèm thuồng và ghé vào thưởng thức. Các bạn có thể tìm thấy món ăn này dễ dàng ở phố cổ Đồng Văn, trong phiên chợ phiên hay các hàng quán rải rác khắp từ Tp. Hà Giang lên tới Đồng Văn.
Lạp xưởng gác bếp

Mùa đông xứ cao nguyên đá lạnh lẽo, vì thế con người phải bám trụ vào bếp lửa để vượt qua mùa đông. Căn bếp không chỉ là nơi sưởi ấm mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ quây quần bên nhau thưởng thức các món ăn ấm áp. Lạp xưởng gác bếp chỉ lên vùng cao mới có, món ăn này được chế biến từ thịt lợn nạc mỡ lẫn nhau nhét vào lòng lợn và gác lên bếp để qua mùa đông. Lạp xưởng thơm mùi thịt và khói bếp quyện vào, khi ăn sẽ thấy vị thơm, dai và hương vị đặc biệt mà khói bếp tạo nên. Món ăn có thể dùng để rán, hấp nhắm kèm với rượu hoặc chế biến cùng nhiều món ăn khác tùy khẩu vị.
Thắng dền

Nhìn cách chế biến thắng dền giống nhiều người sẽ thấy khá giống với món bánh chay của người dưới xuôi nhưng có những nét rất riêng. Những viên bánh thắng dền chỉ làm to hơn ngón tay cái một chút, trong nhân bánh là đường hoặc đỗ, khi ăn được thả trong bát có hỗn hợp nước đường hoa mai ngọt ngậy với nước cốt dừa và gừng, rắc thêm lạc rang. Chúng tạo lên một hương vị ngọt, béo và cay cay khiến xua tan đi cái lạnh vùng cao.Cảm giác xì xụp bát thắng dền với vị ngọt cay của đường, của gừng và miếng bột gạo mềm mềm, sần sật giữa không gian rừng núi đá mộc mạc rất thú vị.
Mèn mén và tổ chua

Cái tên mèn mén gây tò mò cho nhiều khách du lịch nhưng có thể hiểu đơn giản đó là món ăn được làm từ ngô tẻ qua nhiều công đoạn để có được bột ngô rồi đem hấp chín. Món mèn mén được hấp 2 lần và thưởng thức khi nóng cùng canh bí đỏ, canh rau cải, nhai kỹ thấy một vị ngọt bùi ở đầu lưỡi. Tổ chua là món làm từ bột đậu, nấu kèm rau cải mèo. Người ta thường ăn kèm mèn mén và canh tổ chua.
Xôi ngũ sắc

Gạo nếp được đồ với các loại lá cây rừng để tạo nên 5 màu đặc trưng cho trời đất: màu xanh, màu đỏ, màu vàng, màu tím và màu trắng. Một món ăn vừa rực rỡ sắc màu, nóng hổi, lại có hương vị riêng cho mỗi màu hòa quện vào nhau tạo nên món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng. Nếu đi phiên chợ buổi sáng bắt gặp hàng bán xôi bạn sẽ thấy giá rẻ vô cùng mà lại được cả một bát xôi to đùng bọc trong lá dong hoặc lá chuối.
Bánh tam giác mạch, bánh ngô nướng-rán

Hoa tam giác mạch không chỉ làm đẹp cho cao nguyên đá thêm khung cảnh thiên đường mà hạt tam giác mạch còn đi vào cuộc sống đời thường của người dân nơi đây qua các món ăn độc đáo. Một trong số đó là bánh tam giác mạch, hạt tam giác mạch đem phơi khô sau đó nghiền thành bột mịn cùng bột gạo nếp trộn lá gai đem nhào mịn nặn thành hình tròn và chiên trong chảo mỡ ngập bánh hoặc nướng trên bếp than hồng rực lửa. Khi ăn bánh vừa có vị dẻo của gạo nếp, lại có mùi vị đặc trưng của tam giác mạch. Bánh ngô cũng được chế biến như vậy và bạn hãy thưởng thức rồi chọn loại yêu thích.
Cháo ấu tẩu

Đối với nhiều người, đây được xem là đặc sản nổi tiếng mà phải thử khi tới Hà Giang. Cháo ẩu tẩu nấu từ gạo ninh nhừ, kèm thêm thịt băm hoặc chân giò và tất nhiên không thể thiếu củ ấu tẩu. Củ ấu tẩu là loài có độc tố cao, có thế gây chết người nếu không chế biến đúng cách. Vì thế nhiều người còn gọi món ăn này là “cháo thuốc độc”. Để loại bỏ độc tố người dân nơi đây phải ngâm củ ấu tẩu trong nước vo gạo 4 tiếng hoặc qua đêm sau đó đem ninh nhừ và nghiền thành bột sệt mịn. Sau đó, đem ninh cùng gạo nếp, gạo tẻ, chân giò, nêm thêm gia vị. Vị đắng của ấu tẩu khiến nhiều người thấy khó ăn nhưng một khi đã quen rất dễ nghiện.
Món cháo ấu tẩu chỉ được nấu vào buổi tối. Đêm đông phố núi, tìm quán cháo ấu tẩu để thưởng thức sẽ là một cảm giác thật tuyệt và giúp bạn có một giấc ngủ ngon.
Phở chua

Bánh phở làm từ gạo và cơm nguội đem nghiền sau đó đem tráng khiến bánh phở dai ngon, khi chế biến cắt bánh phở thành sợi đem trần qua nước sôi. Khi ăn trộn cùng súp có dấm, bột sắn, đường,.. cùng thịt rán, lạp xưởng, rau thơm. So với món phở truyền thống, phở chua có hương vị vô cùng đặc biệt, béo ngậy của thị, dai ròn của bánh phở mà không ngấy. Nếu lên Hà Giang bạn hãy thưởng thức món ăn này nhé, và cũng rất dễ chế biến nên có thể mua bánh phở của Hà Giang đem về tự chế biến để thưởng thức.
Ngoài ra còn một số món ở cao nguyên đá mà chỉ may mắn bạn mới được thưởng thức vì chúng có theo mùa và số lượng rất ít như: Gà đen H’Mông, Ếch đá Đồng Văn, Rau bí Cao nguyên đá, Thảo quả muối chua, Cá suối.